Múa chuông của người Dao đỏ phường Xuất Hóa

(backancity.gov.vn) – Sống quần tụ ở phía bắc phường Xuất Hóa, hơn 80 hộ người Dao đỏ luôn chăm chỉ cố gắng lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho gia đình và địa phương. Trong đời sống văn hóa, đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ, bảo tồn được nhiều điệu múa đặc trưng, ngoài múa tay không, múa lửa, múa kiếm và múa dao, múa gậy… múa chuông của người Dao đỏ là vũ điệu rất linh thiêng.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, tại cánh đồng Nà Lốm, Hội Xuân phường Xuất Hóa năm 2024 lại thu hút nhiều người dân địa phương và du khách thập phương đến trẩy hội. Tất cả đều chung niềm náo nức, hân hoan, mở lòng chào đón xuân mới. Hòa chung không gian vui tươi của lễ hội cùng những lời ca xao xuyến, điệu nhạc trầm bổng, ấn tượng lúc này là điệu múa chuông của các cô gái người Dao đỏ tổ dân phố số 2 biểu diễn. Với dáng người nhỏ nhắn bước đi uyển chuyển, các cô gái người Dao thật xinh xắn, nổi bật trong bộ trang phục truyền thống. Họ vừa múa, vừa hát, những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, sợi tua màu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt. Trong điệu múa này, chiếc chuông nhỏ bằng đồng là đạo cụ chính để tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn.

Tiết mục “múa chuông” của tổ dân phố 2, tại Hội Xuân phường Xuất Hóa năm 2024

Múa của người Dao đỏ chủ yếu được dùng trong các nghi lễ như gọi hồn, tẩy uế vào năm mới, cấp sắc, tang ma, cúng Bàn Vương…Theo quan niệm dân gian của đồng bào, mỗi nghi lễ đều nhằm mục đích bảo vệ phần hồn của con người, trừ tà, xua đuổi ma quỷ khỏi quấy nhiễu ma tổ tiên và hồn của con người đang sống, cầu mong sự che chở, ban phúc lộc của Ngọc Hoàng, các vị thánh thần, ma tổ tiên. Trong Lễ cấp sắc, điệu múa chuông sẽ do thầy cúng và trai tráng thực hiện, thường kết hợp với lời hát (lời khấn) của thầy cúng, có ý nghĩa trang trọng, linh thiêng, mang không khí vui mừng, phấn khởi. Khi điệu múa được thể hiện trong lễ giải hạn, làm ma, làm vía lại mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiễn người chết về cõi âm, chia buồn với gia chủ hoặc cầu mong những người còn sống bình an, mạnh khỏe. Điệu múa chuông khi thực hiện ở các lễ hội đầu năm là để mong một năm mùa màng tốt tươi, bội thu; đến cuối năm là múa mừng được mùa, thay lời tạ ơn tổ tiên,…

Trước sự phát triển của văn hóa hiện đại, các thế hệ đồng bào Dao đỏ phường Xuất Hóa vẫn truyền dạy điệu múa chuông theo cách riêng của mình, tích cực duy trì luyện tập, tham gia biểu diễn tại các hội diễn, lễ hội của địa phương, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc của đồng bào./.

Triệu Biển