Bắc Kạn: Nguồn cung rau xanh vẫn phụ thuộc vào thị trường ngoài tỉnh

BBK – Lâu nay việc tiêu thụ rau xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung của các tỉnh lân cận, do giá thành rau ngoài tỉnh rẻ hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn…

Một xe tải ngoại tỉnh xuống hàng rau, củ, quả tại chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) cho các cửa hàng kinh doanh.

Nguồn cung chủ yếu từ miền xuôi

Khoảng 4-5h sáng hằng ngày gần chợ Đức Xuân, chợ Bắc Kạn (TP. Bắc Kạn) đều xuất hiện nhiều chiếc xe tải chở hàng tấn rau, củ, quả “đổ bộ” nguồn hàng xuống giao cho các cửa hàng kinh doanh. Hầu hết đây đều là các loại rau, củ, quả chuyển từ các chợ đầu mối ngoại tỉnh đưa lên Bắc Kạn tiêu thụ như: Bắp cải trắng, cải tím, cải thảo, su hào, mồng tơi, mướp đắng, mướp ngọt, củ cải trắng, cà chua, hành, tỏi… mang đi giao cho tiểu thương thuộc các chợ trên địa bàn.

Lý do nguồn rau ở các tỉnh miền xuôi được tiêu thụ lớn trong tỉnh vì mặt hàng này ở các chợ đầu mối giá rẻ khi mua số lượng lớn, nguồn cung, chủng loại phong phú theo 4 mùa. Vì thế đây là mặt hàng “béo bở” và tiêu thụ khá tốt tại thị trường trong tỉnh.

Qua khảo sát, thăm nắm, giá chợ đầu mối, thời điểm hiện tại giá bắp cải trắng, cải ngọt bình quân là 9.000 – 11.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt 11.000 -13.000 đồng/kg; mồng tơi 12.000 – 15.000 đồng/kg; rau muống 8.000 – 10.000 đồng/kg; hành lá 25.000 – 30.000 đồng/kg; cần tây 19.000 – 22.000 đồng/kg; cà chua 10.000 đồng/kg…. Theo các lái buôn thì giá cả như vậy khá hợp lý với túi tiền người tiêu dùng, trong khi đó rau xanh trong tỉnh luôn đắt hơn vài giá.

Nguồn rau xanh của một cửa hàng chủ yếu nhập từ các tỉnh ngoài.

Dạo quanh một vài địa điểm kinh doanh rau, củ, quả ở các chợ chính, có thể nhận thấy rau xanh chợ đầu mối chiếm tỷ lệ khá lớn, rõ ràng nhu cầu sử dụng rau, củ quả trên địa bàn rất lớn nhưng vì nguồn cung hạn chế buộc các thương lái phải lấy rau ở các tỉnh lân cận vào phục vụ thị trường. Chị Nga, chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, rau, củ, quả ở chợ Bắc Kạn cho hay: “Mặt hàng chúng tôi lấy từ 02 nguồn, một phần là rau miền xuôi gồm: Tỏi, hành, cải bao, su hào, cà rốt, cần tây… vì những loại này trên mình không có nguồn để lấy, còn lại một số lấy với bà con trên này, tuy nhiên số lượng chiếm không đáng kể”.

Bắc Kạn cần hình thành các vựa rau lớn

Hằng năm, diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 3.000ha, sản lượng đạt hơn 45.000 tấn. Tuy nhiên, quỹ đất sử dụng để trồng rau, củ, quả trên địa bàn vẫn còn thấp, diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún, chưa khai thác thành vùng sản xuất hàng hóa dẫn tới nguồn cung không đủ phục vụ nhu cầu thị trường. Nhiều diện tích ruộng, vườn thậm chí để không, một số lại có tâm lý e ngại sản xuất ra không tiêu thụ được…

Bắc Kạn hoàn toàn đủ điều kiện canh tác các loại rau xanh.

(Trong ảnh: Vườn cà chua của chị Trần Thị Khanh, thôn Nà Lẹng, xã Quang Thuận cho năng suất cao).

Bắc Kạn có lợi thế, tiềm năng lớn về nông nghiệp với diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, hoàn toàn phù hợp trồng rau, củ, quả…hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Thậm chí nhiều loại sản phẩm nếu chăm sóc tốt, năng suất sẽ thu về khá. HTX Lan Nhi (TP. Bắc Kạn) là điển hình, HTX đã liên kết với hơn 10 hộ dân ở tổ dân phố Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng trồng thành công 01ha dưa bao tử, sản lượng đạt 20-25 tấn, giá trị mang lại trừ chi phí đạt 80 triệu đồng trong vòng 50 ngày. Đặc biệt sản phẩm dưa bao tử đã được tiêu thụ tại nhà máy chế biến dưa muối tại Bắc Giang.

Hay mô hình trồng màu của chị Trần Thị Khanh ở thôn Nà Lẹng, xã Quang Thuận (Bạch Thông) cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Với diện tích đất vườn khoảng 1.000 mét vuông nhưng chị Khanh đã tận dụng để trồng cà chua, thu về 4 tấn quả/vụ, trừ chi phí gia đình cũng bỏ túi vài chục triệu đồng. “Cà chua dễ trồng, quả sai, giá thành bán ra từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, đầu ra không quá khó khăn, chủ yếu tiêu thụ ở trong tỉnh. Tuy nhiên sản phẩm bà con làm ra hay bị cạnh tranh về giá với các loại rau miền xuôi”- chị Khanh chia sẻ.

Giống dưa bao tử của các hộ dân tổ dân phố Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) được phân loại để đưa về nhà máy chế biến ở Bắc Giang.

Với quỹ đất sản xuất đất nông nghiệp lớn, Bắc Kạn hoàn toàn có thể hình thành các vựa rau, củ, quả dựa trên tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng vùng. Vấn đề là việc canh tác phải căn cứ vào nhu cầu thị trường, quy hoạch vùng, phương thức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…để người dân làm chủ sản phẩm, hạn chế phụ thuộc nguồn rau tỉnh ngoài, đồng thời còn có thể xuất bán các loại rau đặc sản ngược lại về các tỉnh miền xuôi./.