BỆNH TỰ KIÊU, TỰ ÁI

Hai thứ bệnh nguy hiểm đó đều do bệnh chủ quan, hẹp hòi mà sinh ra. Việc thế giới, việc xã hội, việc nước nhà to lớn vô cùng, nhiều vô cùng. Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả. Xưa nay những bậc tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may. Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi. Lời đầu tiên của cụ Khổng trong sách Luận ngữ, là: “Học mà thường tập, chẳng cũng vui lắm thay”. Lời cụ Lê thường thường nhắc nhủ mọi người, là: “Học, học nữa, học mãi”. Và “phải học hỏi quần chúng”. Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai. Kỳ thực, tự kiêu là mù quáng, chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được.

Tự kiêu là hẹp hòi. Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao dung được những ý kiến và những phê bình của người khác. Thí dụ một cái cốc, vì hẹp hòi mà chỉ đựng được rất ít nước, thêm một chút nước nữa, là phải tràn. Trái với cái độ lượng rộng lớn của bể, bao nhiêu nước cũng vẫn chứa được. Tự kiêu là thoái bộ. Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngăn trở sự tiến bộ của mình. Tự kiêu là hủ hoá. Vì không chịu học những sự hay sự tốt của người; không ưa những lời phê bình thẳng thắn để sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mà người đời ai chẳng có khuyết điểm to hay nhỏ, ít hay nhiều! Nói tóm lại: Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc. Cụ Khổng Tử có nói: “Nếu có tính tự kiêu, thì dù tài giỏi vô cùng như ông Chu Công, thì tài giỏi ấy cũng vất đi”. Nghĩa chính của chữ tự ái là giữ đúng chữ cần, kiệm, liêm, chính. Không làm điều gì có hại đến danh dự và đạo đức của mình. Thế là chân chính tự ái, mà ai cũng phải tự ái. Nhưng người ta thường hiểu lầm chữ tự ái. Do đó mà hay chấp vặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng – thì gọi là tự ái. Tự ái này luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc. Và kết quả là tự khí, nghĩa là mình tự ngăn trở mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc, thì chẳng việc gì thành công. KẾT LUẬN: Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, “tự ái”. Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.

Thang thuốc thánh để chữa bệnh này gồm có bốn vị là: a) Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình. b) Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm. c) Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ. d) Thực hành đoàn kết.

Trích tập 5, Hồ Chí Minh Tuyển tập

Đăng Báo Sự thật, số 102,  ngày 15-11-1948.

Nguyễn Tâm, Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố (sưu tầm)