Trên địa bàn huyện Ngân Sơn ghi nhận một trường hợp mắc Viêm não Nhật Bản.
Trẻ em xã Trung Hòa, huyện Ba Bể được tiêm vắc xin phòng bệnh Trạm y tế xã. Ảnh: Hoàng Chúc
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên địa bàn huyện Ngân Sơn ghi nhận 1 ca mắc Viêm não Nhật Bản, Bệnh nhi L. Q. T. sinh năm 2014 có địa chỉ thường trú tại thôn Nà Chúa , xã Trung Hoà, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, không nôn, từ ngày 28/7/2023 sau được Trạm Y tế xã Trung Hòa điều trị không đỡ được chuyển lên tuyến trên điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bạch Thông, Ngày 31/7/2023 trẻ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và chuyển đi Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Đến ngày 02/8/2023 được chuyển đến bệnh Bệnh viện nhi Trung ương, được chẩn đoán mắc bệnh Viêm não Nhật Bản. Hiện tại bệnh nhân vẫn còn lơ mơ, không sốt và đang được điều trị tại Bệnh viện nhi Trung ương
Viêm não Nhật Bản là bệnh do một loại virus thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra. Virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh.
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus này có khả năng làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra các bệnh cảnh nghiêm trọng như tổn thương não và có đời sống thực vật nếu thương tổn không thể phục hồi, trẻ chậm phát triển trí tuệ…, thậm chí gây tử vong.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm virus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi nhất là những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Viêm não Nhật Bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh trung ương, người mắc bệnh có thể tử vong vào bất kỳ thời điểm nào. Nếu qua khỏi thời kỳ toàn phát thì người bệnh sẽ phải gánh chịu nhiều biến chứng nặng nề. Vì vậy viêm não Nhật Bản là nỗi bận tâm, lo lắng của nhiều bố mẹ có con nhỏ.
Cần chủ động phòng ngừa viêm não Nhật Bản:
Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
– Do bệnh lây truyền từ muỗi, nên cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng
– Cần cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
– Nên thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
– Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 – 2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.
– Khi đã mắc bệnh, điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
– Nếu trên địa bàn phát hiện trường hợp có các dấu hiệu sốt cao, co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời
BS CKI Mai Thị Thúy- PGĐ TTKS bệnh tật tỉnh
Nguồn: cdc.backan.gov.vn