Chuyển đổi nghề ở Bản Pẻn

Vấn đề hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất có vai trò quan trọng trong thực hiện ổn định cuộc sống. Đối với người dân khu tái định cư Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn vấn đề chuyển đổi nghề đang từng bước có những khởi sắc.

Xưởng cơ khí của anh Phạm Văn Như, thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

Anh Phạm Văn Như, thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang ( TP. Bắc Kạn)  vốn có kinh nghiệm làm cơ khí nhiều năm nay, nhưng đóng thuyền là một lĩnh vực mới anh chưa từng làm. Nhận thấy nhu cầu của bà con cần thuyền, xuồng để làm phương tiện di chuyển vào các khu sản xuất, đồng thời cũng đón đầu trong việc thực hiện chủ trương phát triển du lịch của địa phương, anh Như mạnh dạn mở xưởng đóng thuyền.Xưởng của anh thường xuyên khoảng 05 lao động, là người trong bản với thu nhập dao động khoảng 06 triệu đồng/người/tháng. Anh đã tận dụng tốt vốn kiến thức trong nghề cơ khí, học hỏi trên mạng xã hội, đi học trực tiếp từ các xưởng đóng thuyền khác tại Huyện Ba Bể nên việc đóng thuyền đảm bảo kỹ thuật. Có thời điểm bà con tin tưởng thuê anh đóng những con thuyền to lên đến cả trăm triệu đồng. Xưởng anh nhận kín đơn đặt hàng từ giờ đến cuối năm. Anh Phạm Văn Như, thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn nói:Qua kênh Hội Cựu chiến binh, tôi được vay vốn ngân hàng mở xưởng, hiện tại có 5 – 6 anh em cùng làm. Bước vào nghề này, người chủ phải đa năng, không chỉ làm mỗi mái tôn, sen hoa, cửa sắt. Từ khi hồ sinh thái hình thành, nhu cầu đóng thuyền của bà con nhiều lên. Khi mở xưởng ở đây, nhiều có nhà có điều kiện đặt đóng thuyền to lên đến cả trăm triệu, thuyền nhỏ thì hai ba chục triệu.”

Ông Ma Hoàng Kháo, thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phấn khởi nói:Xưởng như này quá hợp lý, lẽ ra phải có sớm hơn để bà con đặt đóng thuyền vì do nhu cầu thực tế, bà con cần đi vào các khu canh tác trong khu vực lòng hồ” 

Hơn 100 hộ dân Bản Pẻn được bố trí tái định cư sau khi Nhà nước thực hiện Dự án xây dựng hồ sinh thái Nặm Cắt. 50% số hộ dân còn đất sản xuất tại nơi ở cũ, nhưng việc canh tác gặp khó khăn, số còn lại đang tìm công việc mới. Đa phần đi làm thuê, xuất khẩu lao động, số ít thì buôn bán nhỏ lẻ. Gần đây xuất hiện một vài xưởng sản xuất mộc, cơ khí thu hút lao động tại chỗ có thu nhập ổn định. Ông Ma Hoàng Định – Trưởng thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Trên địa bàn thôn có hai cơ sở sen hoa cửa sắt đã mở rộng, đã có nhiều nhân công,  cũng là đơn vị sản xuất có gia công, có bằng cấp. Trước đây một số người dân chưa có phương tiện đi lại, đường chưa có thì người ta cũng đóng một số xuồng, thuyền nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình. Đến giai đoạn này, xuồng đã xuống cấp, một số cơ sở trên địa bàn đáp ứng về đóng mới, sửa chữa.

Người dân Bản Pẻn đang từng bước tìm hướng đi mới trong chuyển đổi nghề để phù hợp với thực tế. Những xưởng sản xuất nhỏ như thế này đang là tín hiệu vui đối với bà con địa phương, để tiếp tục tạo thêm những loại hình dịch vụ, kinh doanh, mô hình mới tăng thu nhập cho người dân./.

                  Hoàng Thạc