Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tại thành phố Bắc Kạn

BBK – Cụ thể hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân TP. Bắc Kạn luôn quan tâm làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn, góp tích cực bảo đảm an sinh xã hội…

A. Cuong.jpg
Ông Cù Ngọc Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Kạn tặng quà cho ông Nông Văn Loóng ở tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai nhân dịp 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).

Theo thống kê, trên địa bàn TP. Bắc Kạn có gần 3.000 người có công với cách mạng; trong số này, có 582 người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội: Đơn vị luôn làm tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công. Cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của TP. Bắc Kạn luôn xác định đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm trước những đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện, cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào sâu rộng, được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân TP. Bắc Kạn chung tay thực hiện với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, như: Chăm sóc thân nhân liệt sĩ, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ ngày công sửa chữa nhà tình nghĩa… Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa cử thiêng liêng cao đẹp nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và những người đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu của mình để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về phẩm chất đạo đức cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Lieu.jpg
Đại biểu người có công tiêu biểu và thân nhân liệt sĩ thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), cùng với các hoạt động khác, UBND TP. Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 141 /KH-UBND, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách mới, giải đáp chế độ chính sách về lĩnh vực người có công với cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin về kết quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn.

Cùng với các hoạt động khác, TP. Bắc Kạn cũng đã tổ chức đưa đoàn đại biểu người có công tiêu biểu và thân nhân liệt sĩ đi thăm chiến trường xưa, dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Khu di tích quốc gia Ngã ba Đồng Lộc, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thành lập các đoàn thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TP. Bắc Kạn; tổ chức chương trình thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ; vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”…

A. Cuong 2.jpg
Ông Cù Ngọc Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Kạn tặng quà ông Lưu Viết Kham, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học ở tổ 7, phường Nguyễn Thị Minh Khai nhân dịp 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).

Các xã, phường cũng đẩy mạnh hoạt động thăm hỏi, tri ân, biểu dương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

“Với tình cảm, trách nhiệm, việc chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Từ sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền cộng với sự nỗ lực của chính các gia đình, đến nay, phần lớn các gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức bình quân của các hộ nơi cư trú, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu…”, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết thêm./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn