Đẩy mạnh tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên trong các trường học

Hiện nay, trẻ vị thành niên chịu nhiều ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ sự phát triển xã hội. Trên thực tế, học sinh vẫn còn hạn chế hiểu biết về kiến thức giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) một cách đúng đắn và khoa học nên tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn ở vị thành niên là rất cao. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay chăm sóc, giáo dục sức khỏe cho vị thành niên là vấn đề quan trọng.

Một buổi tuyên truyền về giới tính sức khỏe sinh sản tại trường THCS Dương Quang

Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố hiện nay, trên toàn địa bàn có hơn 6000 vị thành niên (chiếm 14% dân số). Trong đó số nữ dưới 19 tuổi có con là 04 người, ngoài ra, còn có những trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong độ tuổi vị thành niên không được thống kê do các em đã âm thầm tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để nạo phá thai. Đây thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại. Trước thực trạng đó việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên là rất cần thiết.

Trong những năm qua, công tác giáo dục Thanh thiếu niên của thành phố đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp từ TP đến các xã, phường. Đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục về CSSKSS/KHHGĐ cho đối tượng VTN/TN trong các nhà trường THCS và THPT trên địa bàn  đã được đẩy mạnh, cụ thể, ngày 11/12/2017, UBND thành phố đã ký ban hành và triển khai Quyết định số 154/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số – kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2016 – 2020”. Hàng năm, Trung tâm Dân số – KHHGĐ thành phố (Trước đây) và phòng Dân số – Trung tâm Y tế hiện nay đều phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố chỉ đạo các nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục về CSSKSS/KHHGĐ cho VTN/TN trong các nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú như: Sân khấu hóa; Rung chuông vàng và nói chuyện chuyên đề…ông Đặng Anh Sơn- Phó Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn cho biết:  Qua quá trình thực hiện đã nhận được phản hồi của GV và học sinh như: Học sinh hào hứng và nhiệt tình trong quá trình thực hiện nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên vì phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Tổ chức nói chuyện chuyên đề theo từng giới tính giúp cho học sinh mạnh dạn chia sẻ và trao đổi về các nội dung. Các em học sinh đã dần từng bước nâng cao nhận thức của mình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Đây là mô hình hoạt động được giáo viên các nhà trường THCS đánh giá sẽ đem lại lợi ích sau này cho các em học sinh và cần được nhân rộng trên toàn địa bàn.

Trong năm 2019, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức 04 buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS cho hơn 2000 học sinh và giáo viên tham gia và mới đây nhất có gần 560 học sinh và giáo viên được tuyên truyền về nội dung này. Qua các buổi tuyên truyền, nhằm giúp nâng cao kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành của VTN/TN về chăm sóc SKSS; đồng thời bảo đảm cho VTN/TN chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và kỹ năng thực hiện các dịch vụ DS- KHHGĐ. Tại các buổi tuyên truyền, các báo cáo viên nghiên cứu và chọn lọc nội dung nhằm phù hợp với độ tuổi để truyền tải cho các em những nội dung cụ thể như: Khái quát về tuổi VTN; những thay đổi về thể chất, tâm lý, sinh lý, tình cảm; tình bạn và tình yêu ở tuổi VTN; tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn; hậu quả của có thai, phá thai ở VTN; một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…, việc tổ chức các buổi tuyên truyền cũng có sự đổi mới như phân thành 02 nhóm nam, nữ riêng biệt, kết hợp với những câu hỏi rí rỏm của báo cáo viên các em không còn tâm lý e dè và xấu hổ khi lắng nghe cũng như trao đổi về các vấn đề có liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên. Qua đó, đã tạo nên sự hứng thú và những kiến thức hết sức bổ ích cho các em. Em Phạm Hoàng Việt – học sinh lớp 8, trường THCS Nông Thượng chia sẻ suy nghĩa của mình khi tham gia buổi tuyên truyền dân số: Em đã tiếp thu được nhiều kiến thức hơn về SKSS của lứa tuổi VTN, phân biệt được tình bạn khác giới và tình yêu. Biết những thay đổi về tâm sinh lý của tuổi dậy thì và tác hại của việc yêu sớm ảnh hưởng đến học tập như thế nào…

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, gia đình và nhà trường cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên được triển khai một cách hiệu quả, kịp thời, nhằm trang bị cho các em những kĩ năng đầu đời và khả năng xử lý tình huống cho trẻ, giúp trẻ trưởng thành lành mạnh và hướng tới một tươi lai tươi sáng.

  Hoàng Thạc