Đội Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an thành phố Bắc Kạn khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy phòng cháy, chữa cháy điện trong sinh hoạt và sản xuất

Việc bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ gia đình là vấn đề hết sức cần thiết đặt ra hiện nay nhất là chuẩn bị vào mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện của các cơ quan, doanh nghiệp, gia đình tăng cao. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ, tai nạn do điện gây ra, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mọi người, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội –  Công an thành phố Bắc Kạn khuyến cáo các nội dung, biện pháp bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh như sau:

Hình ảnh để vật tư, hàng hóa không an toàn phòng cháy (Ảnh minh họa)

1.Một số nguyên nhân cháy, nổ do điện

  1. a) Cháy do chập mạch điện

– Chập mạch điện là trường hợp các dây pha chập vào nhau, dây nóng chạm vào dây nguội, dây nóng chạm đất làm điện trở mạch ngoài rất nhỏ, dòng điện trong mạch tăng rất lớn.

– Nguyên nhân gây chập mạch điện:

+ Đối với loại dây có lớp bọc cách điện: Do dây bị kéo căng quá mức; sử dụng lâu ngày bị lão hoá mất khả năng cách điện, tác động của nhiệt độ cao; đặt dây tại khu vực có chất ăn mòn lớp cách điện; đóng đinh vào giữa 2 dây dẫn có cùng lớp cách điện làm cho lớp cách điện bị hỏng hoặc trường hợp các mối nối của 2 dây gần nhau không có lớp cách điện đảm bảo;

+ Đối với loại dây trần: Có thể bị chập mạch do mưa bão, mắc dây nóng và dây nguội quá gần nhau, dây bị trùng chập;

+ Việc đấu nối giữa các dây dẫn với thiết bị không đúng kỹ thuật, không chặt; do sét đánh thẳng vào đường dây;

+ Đối với động cơ điện: Các cuộn dây không đảm bảo tiêu chuẩn cách điện; sử dụng lâu ngày bị lão hoá, động cơ bị kẹt quay chậm hoặc dừng quay…

  1. b) Cháy do dòng địên quá tải

– Quá tải là trường hợp dòng điện tiêu thụ lớn hơn dòng điện định mức cho phép của dây dẫn, làm cho cường độ dòng điện tăng toả ra nhiệt lượng lớn hơn nhiều so với lúc bình thường, đến mức có thể làm cháy lớp cách điện của dây dẫn.

– Nguyên nhân quá tải:

+ Động cơ điện bị kẹt, quay chậm hoặc dừng quay;

+ Thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn điện không đúng tiêu chuẩn , dây dẫn có tiết diện nhỏ hơn so với yêu cầu của thiết bị điện;

+ Lắp đặt nhiều thiết bị điện nhưng không cải tạo, thay thế hệ thống dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn;

+ Cắm nhiều thiết bị điện cùng một lúc vào một ổ cắm;

+ Không lắp các thiết bị tự ngắt (áptômat, cầu chì…) hoặc lắp các thiết bị tự ngắt không đúng tiêu chuẩn;

+ Không kiểm tra, bảo dưỡng động cơ điện.

  1. c) Cháy do đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật

– Nguyên nhân: Khi dòng điện chạy qua, điện trở tại điểm đấu nối tăng, phát sinh nhiệt làm điểm đầu nối nóng đỏ; Do mối nối lỏng sẽ phóng tia lửa điện gây cháy các vật xung quanh.

  1. d) Cháy do sự truyền nhiệt của thiết bị tiêu thụ điện

– Nguyên nhân: Các thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt như bóng điện, bàn là, bếp điện, lò sưởi điện… khi sử dụng toả ra lượng nhiệt rất lớn , nhiệt độ của các thiết bị trên đều lớn hơn nhiệt độ bốc cháy của nhiều loại chất cháy. Do đó khi sử dụng các thiết bị sinh nhiệt nếu để chất cháy liền kề sẽ bị cháy và cháy lan.

  1. Một số biện pháp phòng cháy điện trong sản xuất và trong sinh hoạt:

– Tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật.

– Lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; lựa chọn dây dẫn có chất lượng cao khi đi ngầm trong tường; lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Các mối nối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện).

– Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm;

– Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.

– Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm.

– Không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm.

– Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không cần thiết.

– Không lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện nếu không xác định rõ dây dẫn có chịu tải được hay không.

– Không để các vật liệu dễ cháy phủ lên các mối nối trên dây dẫn điện hoặc phủ lên ổ cắm điện, cầu dao điện…;

– Không phơi, sấy quần áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi; không; khi dùng thiết bị đốt nóng như bếp điện, ấm điện… phải có người trông coi;

– Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt nguồn cấp điện để tránh chập cháy sang các khu vực xung quanh.

+ Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, áptômát.

+ Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.

Các trường hợp không thực hiện được thì dùng kìm cách điện, câu liêm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy.

Sau khi đã cắt điện, tiến hành các biện pháp chữa cháy phù hợp với từng loại đám cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, sử dụng hệ thống họng nước chữa cháy vách tường để dập tắt đám cháy vv….

Minh Cường