Đưa vốn vay ưu đãi đến người dân thành phố Bắc Kạn  

Hai tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid -19 tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn thường xuyên đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm và hỗ trợ người lao động thành phố bị ảnh hưởng dịch COVID-19,…

Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tham gia các nhiệm vụ chính trị được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, các chương trình tín dụng chính sách tới các đối tượng trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Bắc Kạn nói riêng góp phần vào thực hiện nhiệm vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu ban hành các văn bản để thực hiện giải ngân hiệu quả các nguồn vốn. Trong đó, trọng tâm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 19/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 19/11/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp kiểm tra, đối chiếu vốn vay của người dân tại nhà văn hóa tổ 17, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

Trong tháng 01/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 500 triệu đồng (tăng 200 triệu đồng so với năm 2021) vốn ủy thác từ ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, trong quá trình triển khai các nguồn tín dụng tại thành phố Bắc Kạn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng được UBND 06 phường, 02 xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động giao dịch, giải ngân, thu hồi vốn vay thuận lợi, hiệu quả.

Tính đến 28/02/2022, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đạt 156.306 triệu đồng/3.277 hộ, dư nợ bình quân 47 triệu đồng/hộ vay. Mặc dù dịch bệnh covid diễn biến phức tạp tại thành phố Bắc Kạn trong 02 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh vẫn đảm bảo triển khai cho vay số tiền 5.069 triệu đồng/106 khách hàng. Đặc biệt, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã chủ động rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với số tiền 181,79 triệu đồng/04 người sử dụng lao động, 21 lượt lao động.

Ông Hoàng Đình Nhuận, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết:“Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, đơn vị đều thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu được giao, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, đặc biệt là không phải tiếp cận tín dụng đen.”

Từ nay đến hết năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quyết định, kế hoạch có liên quan đã ban hành. Chủ động phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp, Cấp ủy, chính quyền địa phương và các bên liên quan triển khai đa dạng nhiều giải pháp mang tính khả thi cao để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng theo mục tiêu đề ra. Tập trung cân đối nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác giải ngân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho phát triển kinh tế gia đình hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện các tiêu chí: Chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh); tỷ lệ thu nợ đến hạn; chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại Phòng giao dịch; chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV,…

Triệu Biển