Giám sát công tác xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố và quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại cơ sở

Kết quả giám sát cho thấy: Từ năm 2011 đến tháng 7/2014, UBND các xã, phường đã có nhiều cố gắng trong việc việc tổ chức xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp kinh tế và nguồn đóng góp của nhân dân, các tổ chức, các nhà hảo tâm; quản lý, sử dụng các công trình giao thông, thủy lợi và các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

Về công tác xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố đã được các địa phương chủ động triển khai, tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện khá tốt; đảm bảo dân chủ, thống nhất, được đa số nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tự giác tham gia; góp phần xây dựng hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Các Ban giám sát đầu tư cộng đồng chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện chức năng giám sát đối với một số công trình trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng công trình.

Quá trình triển khai, tổ chức xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố cơ bản được UBND các xã, phường tuân theo trình tự xây dựng; công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công trình được đảm bảo, công tác thanh quyết toán tương đối kịp thời, sau khi nghiệm thu đều bàn giao cho các thôn, tổ dân phố tự quản lý.

Từ năm 2011 đến nay, UBND thị xã đã cấp 1.947 triệu đồng cho các xã, phường để chi sự nghiệp kinh tế có tính chất xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của UBND các xã, phường từ năm 2011 đến hết 7/2014 đã nâng cấp được 36 tuyến đường, với tổng chiều dài các tuyến đường là 5.726 m (chiều rộng mặt đường từ 1m – 4,5 m; độ dày bê tông từ 10 – 16 cm), tổng giá trị xây dựng 2.362,34 triệu đồng (trong đó ngân sách Nhà nước là 1.081 triệu đồng; nhân dân đóng góp bằng tiền, vật tư, nhân công là 1.252,86 triệu đồng, các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ là 27,9 triệu đồng). Số kinh phí còn lại được các xã, phường hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố (xã Huyền Tụng, phường Nguyễn Thị Minh Khai); xây dựng, sửa chữa một số tuyến mương thoát nước (phường Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, xã Huyền Tụng). Một số xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động như xã Xuất Hóa được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật liệu, vận chuyển vật liệu xây dựng đường giao thông trị giá 30,9 triệu đồng. Nhân dân thôn Nà Ỏi, Xã Dương Quang vận động nhân dân đóng góp tiền tạo quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn trị giá 76,56 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn thị xã nhu cầu đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố còn tương đối lớn, khoảng 26 tuyến với tổng chiều dài trên 9.000m.

Việc tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng các công trình giao thông, thủy lợi và các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn từng bước được quan tâm. UBND các xã, phường đã bàn giao các công trình giao thông, thủy lợi và các nhà văn hóa cho các thôn, tổ dân phố tự quản lý. Công tác quản lý của các thôn, tổ dân phố được lồng ghép vào nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Một số công trình được tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN xã, phường thành lập các tổ tự quản ở cơ sở. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cơ bản được thực hiện thường xuyên như phát quang bờ đường, dọn vệ sinh, đắp lề đường; nạo vét, tu sửa công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Nhìn chung các công trình được đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả, đảm bảo giao thông được thuận tiện, nhân dân có nơi sinh hoat,hội họp; có đủ nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Đoàn giám sát kiến nghị trong thời gian tới UBND các xã, phường cần chủ động lập danh mục công trình đầu tư bằng nguồn chi sự nghiệp kinh tế có tính chất xây dựng cơ bản ngay từ những tháng đầu năm và ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể làm căn cứ để các thôn, tổ triển khai; MTTQ và đoàn thể phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả.Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp vật tư, kinh phí, nhân công để xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ nói riêng và các công trình xây dựng cơ bản nói chung. Phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của UBND thị xã trong việc lập dự toán công trình do xã, phường làm chủ đầu tư; kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc với cơ quan có liên quan để được hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng lập hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành; phản ánh đầy đủ, trung thực các nội dung kinh tế phát sinh; thực hiện ghi thu, ghi các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đưa vào sổ quản lý, theo dõi tài sản đối với các công trình công cộng như đường giao thông liên thôn, tổ dân phố; nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng các công trình giao thông, thủy lợi và các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Quan tâm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm; chủ động rà soát, đề xuất danh mục các công trình cần đầu tư xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các cơ quan, đơn vị liên quan (như Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND thị xã), đoàn giám sát cũng kiến nghị cần nâng cao chất lượng thẩm định dự toán, quyết toán đối với công trình xây dựng cơ bản do xã, phường làm chủ đầu tư; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, vướng mắc của cơ sở trong việc lập hồ sơ thanh, quyết toán các công trình có sự tham gia đóng góp của nhân dân; hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán; theo dõi, quản lý các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đúng quy định; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư phù hợp, hỗ trợ kinh phí chi sự nghiệp kinh tế để các xã, phường tiếp tục nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, tổ dân phố; xây dựng, sửa chữa một số nhà văn hóa đã hư hỏng, xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân./.