Gian nan tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều thế hệ thanh niên thành phố Bắc Kạn xung phong ra trận và đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, không rõ địa điểm hy sinh. Hòa bình lập lại, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, song các gia đình thân nhân liệt sỹ  luôn hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt đưa về quê hương.

Cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) tôi có dịp đi cùng Đoàn lãnh đạo thành phố Bắc Kạn đến thăm hỏi, tặng quà gia đình mẹ Đinh Thị Ngọc, trú tại thôn Nà Dì, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn). Cả đoàn vừa mới đến sân nhà, gặp một cụ bà tóc bạc, ngồi trước thềm nhà, đang cặm cụi khâu lại chiếc áo sờn vai. Được cán bộ văn hóa xã giới thiệu, có các đồng chí lãnh đạo thành phố Bắc Kạn xuống thăm, mẹ Ngọc mời khách vào nhà, miệng móm mém cười và nói: “Hơn 90 tuổi nhưng đôi mắt vẫn tinh để xâu chỉ khâu vá”. Nhớ lại buổi sáng hôm đó, mẹ Ngọc cùng con dâu và cháu trai ngồi trò chuyện với Đoàn lãnh đạo thành phố trong ngôi nhà tình nghĩa ấm cúng xây dựng từ năm 2008. Qua lời thăm hỏi, động viên ân cần, đôi bàn tay già nua run run của mẹ Ngọc đón nhận lấy phần quà rồi quay về phía di ảnh con trai vẫn đặt ngay ngắn trên tủ, đôi mắt đẫm lệ. Thời gian thấm thoát trôi, mẹ Ngọc đã khuất núi hai năm, nhưng di nguyện đưa hài cốt Liệt sỹ Đào Đình Thượng về Nghĩa trang liệt sỹ Bắc Kạn gia đình chưa thể thực hiện.

Liệt sỹ Đào Đình Thượng, sinh năm 1951, trú tại thôn Nà Dì, xã Dương Quang (TP.Bắc Kạn). Sinh ra, lớn lên trong thời điểm chiến tranh ác liệt. Năm 1969, khi ông đang học lớp 7, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xung phong ra chiến trường cầm súng giết giặc. Khoảng thời gian sống, chiến đấu ông còn theo học lái xe tại phố Kỳ Lừa (tỉnh Lạng Sơn) để tham gia vẫn chuyển vũ khí cho tiền tuyến sang giúp đỡ nước bạn Lào. Đến ngày 14/11/1972, Liệt sỹ Đào Đình Thượng hy sinh tại mặt trận phía nam. Năm 1973, gia đình nhận được Giấy báo tử.

Hòa bình lập lại, gia đình cháu trai Đào Đình Hậu, người đang thờ cúng Liệt sỹ Đào Đình Thượng may mắn nhận được lá thư của người quản trang Đinh Bá Cung gửi tới gia đình. Trong bức thư, ghi rõ thông tin cá nhân, địa điểm, vị trí mộ phần của Liệt sỹ Đào Đình Thượng, hiện đang quy tập tại Nghĩa trang huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bà Phan Thị Tịch, con dâu mẹ Ngọc, nay đã 67 tuổi nói: “Hồi mẹ tôi còn sống, bà dành cả đời người hy vọng được nhìn thấy hài cốt con trai. Nhưng đến nay, do điều kiện kinh tế gia đình chưa thể hoàn thành di nguyện người đã khuất. Tôi chỉ mong cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho gia đình, được một lần đến Nghĩa trang huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) để thấy mộ phần, thắp nén hương, rồi sau đó đưa hài cốt về quê nhà.

Nhiều năm khao khát tìm thấy hài cốt cha đưa về quê hương, ông Trần Hữu Việt, sinh năm 1963, trú tại tổ 2, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) con trai Liệt sỹ Trần Hữu Vỵ nói về hành trình tìm kiếm người thân thấm đẫm gian truân, vất vả. Cẩn thận mở từng loại giấy tờ gốc của cha, ông Việt mới kể: “Cha là Liệt sỹ Trần Hữu Vỵ, sinh năm 1930, vốn là người xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhập ngũ ngày 10/1/1949, là bộ đội lái xe Đoàn 22, Lữ đoàn 338, có bí danh “Gian khổ”. Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, người đại đội trưởng Trần Hữu Vỵ làm giảng viên tại Trường lái xe Tiến bộ (Bộ Quốc phòng) đã gặp và nên duyên với cô sinh viên Trường y Việt Bắc Phạm Thị Hòa (hiện nay là trường Đại học y Thái Nguyên). Năm 1964, khi cha về phép thăm nhà, ông Việt hồi đó mới hơn một tuổi. Sau đó, tạm biệt vợ, con trở lại đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu và chở vũ khí phục vụ chiến trường, không may bị máy bay Mỹ oanh tạc, cha tôi hy sinh ngày 11/5/1965. Gần một tháng sau, ngày 09/6/1965 gia đình nhận được Giấy báo tử, chiếc ba lô và một số kỷ vật của cha gửi về. Trong số những giấy tờ hiện gia đình ông Việt đang cất giữ, Liệt sỹ Trần Hữu Vỵ trong thời gian chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã được Mặt trận giải phóng miền namViệt Nam trao tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng (năm 1969); Hội đồng Nhà nước Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất (năm 1989); Bằng Tổ quốc ghi công.

Liệt sỹ Trần Hữu Vỵ

Ông Trần Hữu Việt cầm trên tay Giấy báo tử của người cha liệt sỹ

Gia đình ông Việt cùng các con, cháu trong dòng họ luôn mong mỏi tìm thấy hài cốt của Liệt sỹ Trần Hữu Vỵ và đã ba lần gia đình lặn lội vào Thanh Hóa tìm kiếm hài cốt theo thông tin trên Giấy báo tử. Gần đây nhất, năm 2017 ông Trần Hữu Việt đi đến khu Nghĩa trang Liệt sỹ xã Thiệu Chính, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tìm kiếm mộ phần, nhưng khu đất nghĩa trang hồi đó, giờ đã thành trường học. Ông Việt lại kiên trì đến hỏi thăm, gặp gỡ một số hộ dân sinh sống gần khu quy tập, liên hệ với chính quyền địa phương, rồi may mắn gặp được anh Ánh, cán bộ chính sách Ban CHQS huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) là người trực tiếp tham gia đợt quy tập hài cốt những liệt sỹ người miền nam từ Nghĩa trang xã Thiệu Chính, huyện Thiệu Hóa (có tên gọi khác là Nghĩa trang chợ Đu) đến Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng (phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa). Tuy nhiên, do sơ đồ mộ chí đã bị thất lạc, gia đình ông Việt chưa tìm thấy mộ phần của cha. Hiện tại, trong số hài cốt được quy tập, 02 mộ phần chưa có tên và 01 mộ phần ghi tên Trần Hữu Quý, gia đình không đủ căn cứ để xác định liệu có phải mộ phần của cha hay không. Tận sâu trong tâm khảm, người con trai Trần Hữu Việt luôn khắc khoải, hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy hài cốt của người cha liệt sỹ. Gia đình ông Việt đã gửi đơn tới Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, mong muốn các đơn vị quan tâm, hỗ trợ thêm các phương pháp khác để tìm kiếm hài cốt, nhưng đến nay chưa có tin tức hồi đáp.

Thành phố Bắc Kạn có tổng số 3.859 người đi bộ đội. Trong đó, 200 người tham gia kháng chiến chống pháp (1945 -1954), có 2.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975); có 1.659 người đi bộ đội sau năm 1975. Toàn thành phố có tổng số 296 liệt sỹ. Trong đó, trong kháng chiến chống pháp (1945 -1954) có 28 liệt sỹ; Kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975) có 235 liệt sỹ; Sau năm 1975 có 33 liệt sỹ.

Có thể tìm được mộ phần liệt sỹ, tìm thấy cha là niềm vui vô bờ của các con, cùng họ hàng, dòng tộc. Vậy nhưng, không phải gia đình thân nhân liệt sỹ nào cũng may mắn có được điều đó. Để chia sẻ nỗi đau với các gia đình thân nhân liệt sỹ, cấp ủy chính quyền địa phương thành phố Bắc Kạn đã luôn quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng; hàng năm tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7) thực hiện chi trả đúng chế độ chính sách cho 100% gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ theo Nhà nước quy định. Tổ chức các đợt điều dưỡng cho thương, bệnh binh, tạo điều kiện cho gia đình thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng nghĩa trang các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời thành phố Bắc Kạn cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan, nâng cao hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trở về quê hương./.

Triệu Biển