Giúp người nghèo tiếp nhận nhanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Để  hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn thành phố Bắc Kạn thuận lợi tiếp cận, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn. Đơn vị đã và đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo cán bộ tín dụng hướng tới sự chuyên nghiệp, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Đầu giờ sáng ngày 10/11/2022, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn có mặt từ sớm tại Hội trường UBND phường Huyền Tụng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho buổi giao dịch với khách hàng. Theo lịch cố định, các ông, bà tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, những hộ gia đình được tiếp cận vốn vay ưu đãi trong tháng 11/2022 cũng đến đầy đủ. Trước khi giải ngân cho các hộ, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh dành thời gian cho người dân thực hiện các thủ tục trả nợ, đáo hạn, gửi tiền tiết kiệm, mở sổ tiết kiệm. Dưới sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh, các hộ dân, ông, bà tổ Tổ TK&VV được giải quyết các thủ tục nhanh, gọn. Lịch giao dịch được cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh sắp xếp tỉ mỉ, khoa học. Chị Chung Thị Tuyết, Phòng KH –NVTD Ngân hàng CSXH tỉnh được đơn vị phân công phụ trách địa bàn phường Huyền Tụng đã tranh thủ khoảng 30 phút tổ chức giao ban với các tổ chức chính trị – xã hội đứng ra tín chấp nguồn vốn (Hội Nông dân, Hội CCB, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên) và các ông, bà tổ trưởng TK&VV, nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong tháng; lắng nghe khó khăn, vướng mắc của cơ sở để trực tiếp giải đáp giúp mọi người tiếp tục thực hiện tuyên truyền các chính sách tới các đối tượng thụ hưởng. Chị Tuyết còn kết hợp thông tin thêm những chính sách mới của Ngân hàng trong tháng 11/2022; phối hợp với lãnh đạo UBND phường công bố danh sách khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tham gia các hoạt động do Ngân hàng CSXH tỉnh phát động trong năm 2022.

Một buổi giao dịch của cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn

Các điểm giao dịch được UBND xã, phường tạo điều kiện về địa điểm, bàn, ghế và các điều kiện khác. Hoạt động giao dịch giống như “một ngân hàng thu nhỏ” giúp người dân thuận tiện thực hiện các thủ tục theo hình thức cuốn chiếu. Khách hàng thuận lợi giao dịch với cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH. Theo đường truyền kết nối riêng biệt, Ban giám đốc Ngân hàng CSXH đều theo dõi sát hoạt động giao dịch tại xã phường trên hệ thống camera giám sát, đảm bảo hỗ trợ, xử lý kịp thời, yêu cầu chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến thao tác nghiệp vụ. Trong quá trình giao dịch về thủ tục nếu có sự cố xảy ra, cán bộ tín dụng tại cơ sở được cán bộ kỹ thuật đầu cầu trung tâm Ngân hàng hỗ trợ, khắc phục kịp thời. Cũng nhờ có thiết bị máy móc hỗ trợ, lượng tiền gửi của các hộ dân được kiểm soát nhanh, gọn, tiết kiệm rất nhiều thời gian, người dân không phải chờ lâu.

Hiện tại, Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn có 08 địa điểm giao dịch cố định tại trụ sở UBND xã, phường. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, phường, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Theo lịch giao dịch hàng tháng, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh đều bố đủ đầy đủ phương tiện di chuyển, sắp xếp trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tại điểm giao dịch, người dân thành phố thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn được hướng dẫn thực hiện các thủ tục hồ sơ vay, trả nợ và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhanh chóng. Các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH tỉnh để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị – xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã. Trung bình mỗi buổi giao dịch xã, phường thu hút khoảng 11 hộ dân tham gia gửi tiền tiết kiệm. Hàng tháng, tại điểm giao dịch xã, phường, Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện giải ngân cho hơn 110 khách hàng, với tổng số tiền hơn 06 tỷ đồng.

 Một hộ dân phường Huyền Tụng được hướng dẫn mở sổ tiết kiệm với thủ tục hồ sơ nhanh, chóng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ đến người dân thành phố. Nổi bật như: giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; Cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ; Cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTG ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ: Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động do Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập,..

Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn được đưa tới các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn thành phố đều đảm bảo công khai, minh bạch. Các khách hàng được thụ hưởng là công dân của xã, phường quản lý, là hội viên, đoàn viên tham gia sinh hoạt các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Các Tổ Tiết kiệm & Vay vốn trực tiếp bình xét, chứng kiến các đối tượng thuộc diện thụ hưởng được tiếp nhận nguồn vốn vay trực tiếp từ cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh.

Người dân phường Xuất Hóa được cán bộ tín dụng hướng dẫn các thủ tục nộp lãi, trả nợ gốc theo quy định.

Bà Phùng Thị Hồng, thành viên Tổ Tiết kiệm & Vay vốn tổ 4, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Mức gửi tiết kiệm tối thiểu của một người dân là 50.000đ/ tháng; cũng những hộ dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ 1-2 triệu/tháng. Tùy thuộc vào thời điểm các văn bản hướng dẫn trong năm của Ngân hàng CSXH tỉnh, mức tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của tổ sẽ thay đổi. Thông thường Tổ huy động mức tiền gửi tiết kiệm là 02 triệu đồng/tháng, nhiều nhất đạt 08 triệu đồng/ tháng. Cứ đến ngày giao dịch cố định tại phường, các hộ được vay vốn sẽ đến nộp lãi, trả gốc. Trong dịp giải ngân vốn vay tháng 11/2022, tổ 4 có 01 hộ nghèo được vay 70 triệu đồng để phát triển đồi rừng, chủ yếu trồng cây quế, mỡ.

Có thể khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những công cụ tài chính của Chính phủ hoạt động hiệu quả nhất, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Từ đó từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.

Ông Hoàng Đình Nhuận, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ tín dụng tận tâm, tận lực, hướng tới sự chuyên nghiệp để tiếp tục đưa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới những hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.”

Triệu Biển