Hiểu để tránh vi phạm quy định về “pháo”

Để đảm bảo ANTT trước, trong và sau tết nguyên đán, chúng ta đã biết pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản nhân dân, gây thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật, mất khả năng lao động do các hoạt động trái phép về vũ khí, vật liệu nổ và pháo để lại.

Trước những tác hại của việc sản xuất, đốt pháo nổ và thả đèn trời, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137 quy định một số điểm mới phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Nghị định thì: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả…khi đốt gây ra tiếng nổ); pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép; các loại pháo dàn mà một số đối tượng đã mua, đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian vào các dịp tết như pháo dạng hộp loại 36 ống, 49 ống, 16 ống…). Các loại pháo này tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định quy định: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp: Tết Nguyên đán, Ngày Quốc khánh 02/9, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế, những trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

* Những trường hợp được sử dụng pháo hoa.

Tại điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định, người được sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự..  Như vậy việc cho phép người dân sẽ được đốt pháo hoa trong những dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỉ niệm,.. là quy định hoàn toàn mới so với trước đây.

* Các hành vi cấm sử dụng pháo hoa:

Theo quy định tại điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì nghiêm cấm mọi người dân không được sử dụng pháo hoa nổ, pháo nổkể cả các loại pháo hoa gây tiếng nổ mà người dân sử dụng trái phép trong dịp tết Nguyên đán trước đây. Mọi người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép, (sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH . Hoặc xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015).

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP  có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Hiện nay, Công an thành phố Bắc Kạn đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ trái phép.

Để đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự ATXH, yêu cầu nhân dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

  1.  Tuyệt đối không được chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
  2.  Không lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo nổ để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không được mang pháo, thuốc pháo trái phép vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
  3. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, thả đèn trời; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
  4. Khi phát hiện đối tượng, cơ sở có biểu hiện sản xuất, chế tạo, tàng trữ, buôn bán, mua bán các loại pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm bị cấm (Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại, súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ, các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn, kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng tre, gỗ, nhựa, giấy nén..) phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Dịp Tết Nguyên đán gần đến, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa, pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật; Nhà nước nghiên cấm mọi hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao sản xuất, cung ứng pháo hoa. Mọi hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự./.

                

Minh Cường -Thiếu tá Lê Đình Tùng – Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thành phố Bắc Kạn