Hiệu quả kinh tế từ trồng Thanh Long ruột đỏ

Hiện nay, trong rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả hội viên nông dân thành phố Bắc Kạn đang duy trì thực hiện, có mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ của gia đình chị Hướng Thị Bắc, tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Bắc Kạn) đã đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định.

Thanh Long khi thu hoạch lúc trời nắng, quả ngon và ngọt hơn.

Năm 2016, ý định trồng cây chè tại khu đất đồi phía sau nhà đã được chị Bắc chuyển sang cây Thanh Long. Từ nguồn vốn của Hội nông dân và vốn liếng tích lũy của gia đình, chị Bắc quyết định đầu tư làm 300 cọc bê tông. Đến tháng 2/2017, sau khi lắp đặt xong khung, cột, hệ thống nước tưới tự động, chị Bắc mua 1.000 hom giống Thanh Long về trồng. Với loại cây này, trụ bê tông thiết kế cao từ 1,8- 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu 50cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3-1,4m cho cây bám rẽ phát triển và tỏa nhánh xuống xung quanh. Nhờ cung cấp đủ lượng nước, phân bón ngay từ thời điểm vừa trồng, cây Thanh Long sau 07 tháng cho quả bói. Từ năm thứ hai trở đi, cây cho quả đều, ổn định về năng suất. Sau 5 năm chăm sóc, theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, tất cả 1.000 gốc Thanh Long cho sản lượng khá, quả to, mã đẹp, các thương lái đến tận vườn thu, hái.

Chi Hướng Thị Bắc chia sẻ:“Vườn có hai loại Thanh Long đỏ và trắng, nhưng chủ yếu là Thanh Long ruột đỏ. Cây cho thu hoạch một đợt/ tháng. Hai năm nay, các tiểu thương tự thuê khoảng hai đến bốn nhân công đến vườn thu hoạch. Mỗi đợt, sẽ hái toàn bộ quả to đến nhỏ, sau đó phân loại bán ra thị trường. Sản lượng đạt từ 200 – 400 kg/ đợt.

Thanh Long ruột đỏ là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, thị trường khá ưa chuộng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá lớn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm tiếp theo chỉ cần chăm sóc tốt. Với điều kiện khí hậu miền Bắc oi nóng, không tốn chi phí đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, sau khi cây đã ra trái, không phải tưới nhiều. Để năng suất quả ổn định, định kỳ từ 03 -04 tháng, chị Bắc tiến hành bổ sung thêm các loại phân bón lần lượt như: phân Đầu trâu, phân gà, Đạm, Kali/01 gốc. Trong đó, chủ yếu sử dụng lượng lớn phân gà đã được ủ kỹ, nhập từ các trang trại áp dụng biện pháp chăn nuôi sinh học. Vườn Thanh Long phải thường xuyên tỉa cành già, tạo độ thoáng, thúc đẩy cây ra mầm mới.

Chị Phạm Hồng Thúy – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Bắc Kạn) cho biết:“Hiện nay, Hội thường xuyên quan tâm đến các chính sách nông nghiệp, nông thôn, chú trọng tuyên truyền hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và tập thể. Hội đang có kế hoạch thống kê, rà soát số lượng các mô hình kinh tế hộ và tập thể trong phát triển cây ăn quả, tiến tới vận động hội viên thành lập các tổ, chi hội nghề nghiệp trên địa bàn phường”.

Hiện tại, ngoài chăm sóc Thanh Long, toàn bộ 100 cây bưởi da xanh trồng xen, bắt đầu cho thu hoạch. Hằng năm, gia đình chị có thu nhập khoảng 300 triệu đồng trở lên./.

Triệu Biển