Hiệu quả mô hình trường học mới ở trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn

Là một trong những trường trên địa bàn thành phố được triển khai thí điểm mô hình trường học mới từ năm học 2012-2013. Những ngày đầu triển khai mô hình này trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn cũng gặp không ít khó khăn, do đội ngũ giáo viên mới bắt đầu tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hơn nữa trên 90% học sinh là dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp thu của các em còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những khó khăn này, đội ngũ giáo viên nhà trường đã tích cực nghiên cứu học hỏi phương pháp dạy học mới, qua đó đã phát huy được tính ưu biệt của trường học mới. Cô giáo Nguyễn Thị Tỉnh – giáo viên trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn đã khẳng định: “Mô hình trường học mới này có nhiều ưu điểm so với chương trình hiện hành, học sinh được trực tiếp trao đổi bài với bạn, học sinh tự nắm kiến thức, học sinh sẽ mạnh dạn trong giao tiếp và trong tất cả các hoạt động học sinh sẽ mạnh dạn hơn”.

Khác với phương pháp học truyền thống , theo mô hình VNEN, nhà trường đã chia các lớp học làm 05 nhóm mỗi nhóm có 04 người, không khí học tập diễn ra sôi nổi, các em học sinh cùng được thảo luận bàn bạc và thống nhất trong nhóm, được phát biểu ý kiến trước toàn thể lớp học và cô giáo về bài học. Với cách học mới này học sinh hoàn toàn làm chủ giờ học, cô giáo là người hướng dẫn giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách chủ động. Năm học 2015- 2016, trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn có 05 lớp với 101 học sinh, trong đó có 04 lớp thực hiện chương trình VNEN với 81 em tham gia. Đây là năm học thứ 03 nhà trường thực hiện chương trình thí điểm dạy học theo mô hình mới nên tư duy và nhận thức của giáo viên đã có nhiều thay đổi. Học sinh theo mô hình VNEN tự tin trong giao tiếp, đội ngũ giáo viên đã mạnh dạn học hỏi nghiên cứu được tiếp cận với phương pháp dạy học theo mô hình mới có trình độ chuyên môn và nghề nghiệp vững vàng. Bên cạnh đó nhà trường còn nhận được sự đồng tình ủng hộ vào cuộc của cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương. Để tiếp tục triển khai  mô hình trường học mới nhà trường tổ chức họp phụ huynh để trao đổi thông tin, tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên bám sát kế hoạch của ngành giáo dục và đào tạo trong triển khai thực hiện dự án, đồng thời xây dựng kế hoạch giảng dạy truyền thụ kiến thức, hỗ trợ học sinh có thể lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất. Cô Trịnh Thị Nguyệt – Hiệu trưởng trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn cho biết: Sau 03 năm thực hiện chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên và sự tham gia của cộng đồng có nhiều chuyền biến, phụ huynh học sinh và cộng đồng tích cực tham gia vào xây dựng cơ sở vật chất. Nhà trường đến nay trường lớp đã khang trang hơn trước,  đặc biệt học sinh thì kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình  của các em có nhiều chuyển biến. Trong thời gian tới, mong các cấp các ngành tiếp tục quan tâm để mô hình trường học mới tiếp tục duy trì nhân rộng và phát triển”.

Hiệu quả mô hình trường học mới ở trường Tiểu học Huyền Tụng A thành phố Bắc Kạn đã cho thấy một hướng đi đúng, một phương pháp hiệu quả cho mục tiêu tiếp tục đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố Bắc Kạn nói riêng và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục chung của tỉnh.