Hội nghị sơ kết hoạt động quý I/2022 của Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Bắc Kạn

Ngày 13/4, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Bắc Kạn tổ chức sơ kết hoạt động quý I; triển khai nhiệm vụ quý II-2022. Đồng chí Dương Hữu Bường – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn chủ trì. Dự có đồng chí Hà Sỹ Côn – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn.

Trong quý I-2022, nguồn vốn cho vay của NHCSXH trở thành điểm tựa vững chắc của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo tiền đề cũng như động lực giúp các hộ dân trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thực hiện an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương ngày càng phát triển và hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Cụ thể, 03 tháng đầu năm 2022, số tiền cho vay 8.096 triệu đồng, với 176 hộ vay vốn. Trong đó, tập trung giải ngân một số chương trình cho vay: Cho vay giải quyết việc làm 6.418 triệu đồng/144 lao động; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 là 451 triệu đồng/02 hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo 150 triệu đồng/02 hộ; cho vay hộ cận nghèo 115 triệu đồng/03 hộ; cho vay hộ nghèo 205 triệu đồng/05 hộ; cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 260 triệu đồng/08 hộ; cho vay xuất khẩu lao động 84 triệu đồng/01 lao động; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 412 triệu đồng/08 học sinh, sinh viên,…

Đến nay, dư nợ tín dụng 156.278 triệu đồng/3.274hộ, dư nợ bình quân 47,73 triệu đồng/hộ vay. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp cho: 118 hộ nghèo, 752 hộ cận nghèo, 222 hộ mới thoát nghèo, 343 hộ gia đình tại vùng khó khăn (theo QĐ 1010) có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 152 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập, xây dựng và cải tạo 700 công trình nước sạch, công trình vệ sinh, hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm cho 1.500 lao động từ nguồn vốn Giải quyết việc làm; 14 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,…Tổng dư nợ uỷ thác thông qua 04 tổ chức Hội, đoàn thể là 154.892 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,11%/tổng dư nợ, tăng 315 triệu đồng so với năm 2021. Nợ quá hạn 435 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,28%, tăng 47 triệu đồng so với 31/12/2022.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị cũng trình bày những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II -2022; đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo thành phố một số vấn đề có liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách,…

Thông qua nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu, đồng chí Hà Sỹ Côn -Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn cơ bản đồng tình, nhất trí cao, chia sẻ khó khăn với các xã, phường trên địa bàn thành phố Bắc Kạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời dành thời gian phân tích sâu về nguyên nhân, giải pháp, kinh nghiệm tháo gỡ các khoản nợ đọng của địa phương. Bước sang quý II -2022, đồng chí Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn mong muốn, các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp; củng cố chất lượng Ban quản lý Tổ tiết kiệm & vay vốn theo hướng thực chất; tuyên truyền người dân thực hiện các mức huy động tiền gửi tiết kiệm phù hợp; thành phố sớm rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát,…

Đồng chí Hà Sỹ Côn -Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trong quý II-2022.

Để tiếp tục triển khai tổng thể các nhiệm vụ quý II-2022 hiệu quả, Chủ tịch UBND Thành phố Bắc Kạn Dương Hữu Bường yêu cầu: UBND xã, phường phối hợp Ngân hàng CHXS tỉnh rà soát các văn bản, kiện toàn bộ máy, duy trì các buổi họp Ban quản lý Tổ tiết kiệm & vay vốn. Đẩy mạnh công tác giải ngân trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách mới Chính phủ vừa ban hành. Nâng cao chất lượng phối hợp, triển khai đồng bộ, chặt chẽ nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đối với các khoản nợ quá hạn đã tồn đọng nhiều năm, các xã phường sớm chỉ đạo những nơi còn nợ đọng có hình thức tiếp cận đối tượng vay vốn phù hợp và đánh giá lại hiệu quả những biện pháp thu hồi nợ đọng thời gian qua. Về những trường hợp cố tình chây ỳ vốn vay, các tổ chức Hội được ủy thác thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền. UBND xã, phường đề xuất, tham mưu các giải pháp mạnh, khoanh vùng các khoản nợ xấu. Việc thẩm định hồ sơ, đối tượng cho vay đảm bảo phải đúng đối tượng, mục đích sử dụng. UBND xã, phường phối hợp tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức Hội được ủy thác vốn vay tiếp tục triển khai các chính sách mới để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn sớm nhất./.

Triệu Biển