Hội Nông dân phường Sông Cầu triển khai  hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi”

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi”, là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động tổ chức Hội Nông dân các cấp. Hiện tại, phong trào này đang được Hội Nông dân phường Sông Cầu triển khai, thực hiện có hiệu quả, giúp nhiều hội viên làm giàu bền vững.

Phường Sông Cầu có diện tích tự nhiên 357,8ha, có 21 tổ dân phố với trên 2.230 hộ dân. Bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, của địa phương, Hội Nông dân phường Sông Cầu đã tích cực chỉ đạo cán bộ, hội viên đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi”. Hội có tổng số 290 hội viên, sinh hoạt tại 17 chi hội/21 tổ dân phố. Những năm qua, Hội Nông dân phường đã chủ động tham mưu, phối hợp các ngành, cơ quan chuyên môn hàng năm mở các lớp, cử nhiều lượt cán bộ, hội viên tham gia tập huấn kiến thức về nông nghiệp, nông thôn; tham quan học tập và xây dựng các mô hình trình diễn cây, con giống mới, cải tiến kỹ thuật; hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân,…

Từ phong trào này, phường có rất nhiều điển hình trong phát triển kinh tế. Cụ thể như: Hội viên Nguyễn Quang Sáu, sinh năm 1976, trú tại tổ 12, phường Sông Cầu với mô hình Kinh doanh cơ khí, khung nhôm, cửa sắt, đang mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập đạt 12,5 triệu đồng/ khẩu/tháng. Với diện tích xưởng sản xuất 300m2, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa. Mỗi năm, xưởng của anh Sáu tạo việc làm cho trên 20 lao động, giúp đỡ có hiệu quả 10 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh doanh dịch vụ; tham gia hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm nghề khung nhôm, cửa sắt cho trên 50 lao động; sẵn sàng dạy nghề và phổ biến cho khoảng 15 hộ khi Hội Nông dân phường mở lớp. Gia đình anh Sáu nhiều năm đạt danh hiệu hộ SXKDG cấp tỉnh.

Nhạy bén, tranh thủ lợi thế diện tích hơn 200m2 đất ở mặt đường, hội viên Nguyễn Văn Đình, sinh năm 1956, tổ 2, lại lựa chọn mô hình Kinh doanh, sản xuất giọ sắt. Bản thân ông vốn ham học hỏi, tìm tòi những vật liệu, kiến thức mới, mạnh dạn ứng dụng các kỹ năng, kiến thức các đợt tập huấn về kỹ năng kinh doanh, các mặt hàng của ông Đình được người dân trên địa bàn toàn tỉnh tin dùng. Từ kinh doanh nhỏ lẻ nay xưởng sản xuất có quy mô lớn gắn với đảm bảo vệ môi trường đô thị. Tổng thu nhập từ mô hình đạt gần 450 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập đạt 13,4 triệu đồng/người/tháng. Xưởng tạo việc làm mùa vụ cho 25 người hội viên, 12 người có việc làm thường xuyên, giúp đỡ  30 hộ khó khăn về vốn, kiến thức kinh doanh.

Tham gia vào tổ chức Hội Nông dân năm 2015, anh Đỗ Văn Thắng, sinh năm 1984, hội viên chi hội tổ 11A, hiện có thu nhập ổn định từ mô hình sản xuất: Kinh doanh thức ăn gia súc, kinh doanh con giống gà, vịt. Hàng năm, gia đình anh cung ứng cho hội viên trên 24.000 con giống gà, vịt và trên 50 tấn thức ăn gia súc,…Số lượng con giống và thức ăn gia súc của gia đình anh Thắng cung cấp đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động kinh doanh đảm bảo không gây ô nhiễm đến mọi người xung quanh và nơi công cộng. Tổng thu nhập bình quân đã trừ chi phí đạt trên 620 triệu đồng/năm.

Bằng đồng vốn tích lũy và các kênh vốn vay ưu đãi khác nhau, người nông dân bây giờ không chỉ giỏi lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mà còn biết vươn lên làm giàu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình trong lĩnh vực này phải kể đến chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1976, trú tại tổ 17 là một hội viên như thế. Sau nhiều năm chủ động đầu tư vào mô hình kinh tế tổng hợp, hiện tại gia đình chị Mai đã trồng được 12ha cây cam, quýt đang cho thu hoạch; 10ha keo; nuôi 19 con trâu, 60 con lợn, thả cá với diện tích 7.000m2 cho xuất bán hàng năm. Chị Mai còn duy trì kinh doanh 01 sạp hàng hoa, quả tại Khu mua bán Quang Sơn. Sự đa dạng trong sản xuất đã giúp 04 lao động chính của gia đình có việc làm. Hàng năm, tạo việc làm mùa vụ cho 35 lao động địa phương, 08 người có việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định; giúp đỡ 25 hộ khó khăn về vốn, kiến thức kinh doanh. Tổng thu nhập bình quân đã trừ chi phí thu về hơn 1,6 tỷ đồng/ năm.

Mô hình kinh tế VAC-R của chị Nguyễn Thị Mai, hội viên nông dân tổ 17,phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn.

Những điển hình nông dân kể trên là minh chứng rõ nét nhất về sức lan tỏa của phong trào“Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Hội viên nông dân phường Sông Cầu đã biết phát huy hiệu quả về đồng vốn, nguồn lao động, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, lại rất vừa sức với chính bản thân họ. Từ phong trào này, số lượng hội viên nông dân phường đăng ký sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Giai đoạn 2018 – 2022, số hộ đăng ký từ 98 tăng lên 128 hộ. Đặc biệt, năm 2020, số lượng hội viên đạt danh hiệu“Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp nhiều nhất (cấp Tỉnh: 12; cấp Thành phố: 29; cấp phường: 51).

Để các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là các phong trào lớn có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, Hội Nông dân phường tiếp tục chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục,vận động nâng cao nhận thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của các cấp Hội, cán bộ hội viên nông dân và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Từ chỗ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, Hội từng bước thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất gắn với thị trường, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao, coi trọng chất lượng, liên kết liên doanh, hợp tác. Làm tốt hoạt động sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng cá nhân, tổ chức để hoàn thiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Khơi dậy hội viên luôn có tinh thần khởi nghiệp, có ý trí vươn lên làm giàu chính đáng./.

Triệu Biển