Hội Nông dân thành phố Bắc Kạn: Tích cực thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

Thành phố Bắc Kạn là trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội của Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên là 13.688 ha với tổng dân số hơn 40 nghìn người, gồm 5 dân tộc chủ yếu cùng chung sống trong đó có trên 30 nghìn lao động.

Mặc dù cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố Bắc Kạn chiếm tỷ trọng 6,46% nhưng trong những năm qua sản xuất nông, lâm nghiệp của thành phố có bước tăng trưởng tích cực, góp phần làm cho diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân ngày càng khởi sắc. Sau khi có Nghị quyết 26 của BCH TW Đảng, Hội Nông dân thành phố Bắc Kạn đã chủ động ban hành chương trình hành động, trong đó chú trọng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo hướng thị trường.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ngoài việc vận động hội viên nông dân tham gia mô hình, đề án phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt giá trị 100 triệu đồng/ha như đề án phát triển đàn lợn nái Móng cái thuần; mô hình nuôi vịt thương phẩm; mô hình trồng cây táo; mô hình nuôi gà, vịt sinh sản hướng trứng.

Về trồng trọt: Tổng sản lượng lương thực có hạt có bước tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước: tổng sản lượng lương thực năm 2012 đạt 4.611 tấn đến năm 2016 đạt 5.004 tấn. Bình quân lương thực đầu người là 123 kg/người/năm.

Về lâm nghiệp: Công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được các cấp các ngành quan tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Đến nay mật độ che phủ rừng toàn Thành phố đạt khoảng trên 61%. Công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được thực hiện có hiệu quả, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng và phát triển rừng.

Về chăn nuôi: Số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng qua từng năm, hiện nay tổng số đàn gia súc có 21.170 con; đàn trâu, bò, ngựa 1.156 con; đàn dê 1.649 con; đàn lợn 18.047 con; tổng đàn gia cầm, thủy cầm 133.026 con.

Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới, Hội đã đăng ký thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức sản xuất, phối hợp xây dựng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; triển khai đều khắp mô hình dân vận khéo tại 08 cơ sở Hội, cụ thể như HTX chế biến gỗ tại phường Huyền Tụng; HTX sản xuất nấm tại phường Xuất Hóa; mô hình trồng hoa hồng, trồng rau màu tại xã Dương Quang, phường Phùng Chí Kiên đạt mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân thành phố vận động hội viên đóng góp được 1.033,193 triệu đồng, hơn 4.486 ngày công lao động, hiến 5.860mđất, làm mới và tu sửa 54,2 km đường giao thông; xã hội hóa thắp điện chiếu sáng 49 ngõ hẻm. Đồng thời, chú trọng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao KHKT về nông, lâm nghiệp cho cán bộ, hội viên nông dân. Nhờ đó, hội viên nông dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân và địa phương phát động. Điển hình như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hằng năm có 93,7% hộ hội viên nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh các hoạt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn, Hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của người nông dân thông qua việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng người nông dân tới việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao; duy trì hiệu quả các mô hình, dự án đã triển khai; tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức của hội viên nông dân trong thực hiện nghị quyết, đặc biệt cần phát huy vai trò đi đầu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ Hội; xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.