Hút thuốc lá và những hệ lụy về sức khỏe, kinh tế

BBK – Hút thuốc lá không chỉ gây hại sức khỏe bản thân người hút, sức khỏe những người hít phải khói thuốc, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, bởi những khoản chi không nhỏ cho thói quen có hại này.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Trước đây, anh N.V.S, ở phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) hút 01 bao thuốc lá mỗi ngày. Vì làm nghề chạy xe ôm, thu nhập bấp bênh nên ngày nào nhiều khách anh hút thuốc loại 20.000 hoặc 30.000 đồng/bao, ngày thu nhập ít thì hút loại 10.000 đồng/bao. Anh S cho biết: “Có ngày không có khách tôi ra hàng tạp hóa mua chịu để hút giải tỏa cơn thèm. Sau này khi vợ sinh con nhỏ thường xuyên mắc bệnh viêm phổi, đi khám mới biết do khói thuốc lá gây ra. Từ đó, tôi quyết tâm cai thuốc lá và đã bỏ được hơn một năm nay. Nếu sớm nhận thức được tác hại như vậy, tôi không bao giờ hút thuốc lá”.

Theo anh S tính toán, mỗi ngày tiền chi cho thuốc lá cũng đủ mua thực phẩm một bữa ăn của cả gia đình, nên anh quyết định bỏ thuốc lá là hoàn toàn đúng đắn, vì vừa đảm bảo sức khỏe lại đỡ tốn kém về kinh tế.

Đối với những người hút thuốc lá lâu năm ảnh hưởng đến sức khỏe, thì hệ lụy của nó là vô cùng khôn lường. Đó là các bệnh mạn tính như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, tim mạch,… thậm chí dẫn đến ung thư.

Đã nhiều năm nay, ông N.V.D 69 tuổi, ở xã Đổng Xá (Na Rì) là một trong những người bệnh điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xuyên tại khoa Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. Mỗi năm ông N.V.D nhập viện điều trị bệnh khoảng 03 lần, mỗi lần điều trị từ 5 – 7 ngày, tùy thuộc mức độ bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, mỗi tháng trung bình có hơn 500 lượt người đến điều trị các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, mỗi tháng trung bình có hơn 500 lượt người đến điều trị các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Theo lời kể của ông N.V.D, ông hút thuốc lá từ tuổi vị thành niên, khoảng 20 năm trước ông khó thở và không thể lao động nặng. Đi khám bác sĩ kết luận mắc bệnh phổi và thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến ông bị bệnh nặng, vì thế ông đã từ bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, bệnh đã thành mạn tính không thể chữa khỏi. Từ đó đến nay, cứ vào mùa lạnh bệnh tái phát ông lại phải vào viện điều trị, rất tốn kém.

Ông D cho biết: “Mỗi đợt điều trị, chi phí các khoản thuốc, sinh hoạt hết khoảng 5 – 7 triệu đồng. Gia đình làm nông nên để có được khoản chi phí này hết sức khó khăn, thế nên gần như số tiền kiếm được trong năm của gia đình đều lo chữa bệnh cho tôi. Chẳng những không phụ giúp được gia đình, mỗi lần vào viện, vợ con bỏ hết công việc phục vụ tôi, kinh tế gia đình càng trở nên chật vật hơn. Những ai đang hút thuốc lá thì nên bỏ sớm để tránh bị bệnh như tôi”.

Không chỉ riêng ông N.V.D, hầu hết những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản đều từng hút thuốc lá nhiều năm và chung hoàn cảnh là phải điều trị bệnh thường xuyên. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, mỗi tháng trung bình có hơn 500 lượt người bệnh đến điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá. Có nhiều người bệnh bị nặng khi vào viện phải thở khí dung, chi phí mua thuốc cũng tốn kém hơn.

Có thể thấy, hút thuốc lá gây lãng phí kinh tế của mỗi gia đình. Khoản tiền mua thuốc lá làm giảm chi phí giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe gia đình. Không những thế, gia đình có người hút thuốc lá còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh, dẫn đến các bệnh liên quan, kéo theo đó là chi phí khám, điều trị bệnh… Điều đó khiến kinh tế các gia đình, nhất là ở vùng sâu vùng xa càng trở nên khó khăn hơn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh nghèo khó./.