Kiểm tra công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ tại thành phố Bắc Kạn

Năm 2018, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN)  TP. Bắc Kạn đã kịp thời triển khai chính sách, pháp luật và các chương trình liên quan đến bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ đến toàn thể các phòng, ban, ngành TP và UBND các xã, phường. Ban VSTBPN TP. Bắc Kạn  phát huy vai trò và trách nhiệm, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền để thực hiện tốt các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong thời gian qua đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến giáo dục về giới, chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên phụ nữ được 16 buổi trong đó có 03 buổi tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình thu hút gần 3.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Các cấp Hội phụ nữ ở cơ sở đã thường xuyên duy trì sinh hoạt 5 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” với 102 thành viên, 02 đơn vị Hội LHPN phường Đức Xuân và phường Xuất Hóa tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền Luật Bình Đẳng giới cho cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn phường được 2 buổi thu hút 500 hội viên tham dự.

Trong năm 2018 đã tổ chức 01 lớp tập huấn, 2 hội nghị nói chuyện chuyên đề về công tác gia đình và bình đẳng giới cấp thành phố thu hút trên 1.400 cán bộ, công chức, viên chức người lao động và cộng tác viên dân số. TP. Bắc Kạn duy trì các hoạt động nữ công, công đoàn tạo điều kiện cho chị em phụ nữ giao lưu, học hỏi, giúp đỡ nhau làm tốt công tác chuyên môn và làm tròn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình cũng như công việc xã hội.

Ban VSTBPN TP. Bắc Kạn đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố kiểm tra thực hiện các chế độ chính sách  đối với cán bộ, công nhân viên chức và người lao động là nữ, đồng thời thực hiện lồng ghép nội dung kiểm tra với kiểm tra hoạt động của Hội LHPN các cấp, qua theo dõi, nắm bắt việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tương đối tốt, chưa có trường hợp nào vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, các doanh nghiệp, đơn vị cơ bản thực hiện đúng Bộ Luật Lao động.

Công tác tham mưu, đề xuất xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm tăng cường sự tham gia cảu phụ  nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo luôn thực hiện tốt. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, phụ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo năm 2018 là 87/196 chiếm hơn 44%, số nữ được kế nạp Đảng năm 2018 là 50/73 đạt hơn 68%.

Việc thực hiện 07 mục tiêu trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 luôn được thực hiện tốt. Năm 2018 số lượng nữ được cử đi đào tạo bồi dưỡng trung cấp chính trị tại thành phố là 47 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị 02 đồng chí, quản lý nhà nước 6 đồng chí. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bắc Kạn là 11/38 đồng chí chiếm 29%, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp thành phố là 9/30 chiếm 30%, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp xã là 60/197 chiếm hơn 30%. Bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm luôn được quan tâm, trong năm 2018 phụ nữ được vay vốn giải quyết việc làm là 122 chị. Số cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong năm 2018 có 527 đồng chí. Số cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ có 41 đồng chí. 100% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ.  Trong năm số vụ bạo lực trên địa bàn thành phố là 9 vụ, có 8/8 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý…

Bên cạnh kết quả đạt được,  vẫn còn tồn tại một số hạn chế như các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới chưa thực sự phong phú, đa dạng và hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn xảy ra, tỷ lệ nữ tham gia địa biểu HĐND các cấp, tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt tuy đã tăng nhưng vẫn thấp chưa tương xứng với yêu cầu của cán bộ nữ trong thời kỳ đổi mới…

Ban  VSTBPN TP. Bắc Kạn đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào các vấn đề tăng cường tuyên truyền giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng khu vực. Tăng cường kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới tại địa phương, kịp thời có biện pháp hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới. Hỗ trợ kinh phí cho Ban hoạt động, có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ phụ trách cấp xã…/.