Ngành Y tế thị xã Bắc Kạn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân

Trong những năm qua, công tác y tế và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thị xã Bắc Kạn đạt những thành tựu quan trọng. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân từng bước được nâng cao, công tác phòng chống dịch bệnh triển khai kịp thời, các chương trình y tế Quốc gia thực hiện đầy đủ và có hiệu quả, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng… dần đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn.

Chú trọng công tác y tế và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn

Hiện nay, ngành Y tế thị xã Bắc Kạn có 94 cán bộ, công chức, viên chức và 100% thôn, tổ dân phố đều có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động; 8/8 xã phường của thị xã có trạm y tế, trong đó có 05 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã, 02 trạm đang được đầu tư xây dựng.

Trong những năm qua, ngành Y tế thị xã đã triển khai tốt việc khám chữa bệnh cho các đối tượng Bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 6 tuổi, triển khai đầy đủ và đạt chất lượng cao các chương trình Y tế Quốc gia. Hàng năm, 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắcxin; 100% trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A… Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt, nhiều dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi. Trên địa bàn thị xã rải rác xuất hiện một số dịch bệnh như: Thủy đậu, quai bị, cúm A(H5N1), bệnh tay – chân – miệng… nhưng đều được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời. Từ năm 2006 – 2012 không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng năm, Phòng Y tế thị xã đã tham mưu UBND thị xã xây dựng Kế hoạch kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hành nghề Y – Dược tư nhân trên địa bàn…

Đi đôi với các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, ngành Y tế thị xã đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác truyền thông đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần bảo đảm đưa thông tin kịp thời đến cơ sở, trong đó tập trung truyền thông về nguy cơ, tác hại của ma túy và HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; phòng, chống sốt rét; phòng, chống lao; phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt và các bệnh xã hội khác… Đến nay, trên địa bàn thị xã, 100% bệnh nhân lao đều được quản lý, điều trị khỏi, không có bệnh nhân tử vong do bệnh lao; 100% bệnh nhân tâm thần, động kinh được quản lý, theo dõi, cấp thuốc điều trị; 80% số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được quản lý, t­ư vấn; 100% phụ nữ có thai đ­ược theo dõi và quản lý thai nghén…

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý cũng được ngành Y tế thị xã chú trọng. Thị xã thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ Y tế cơ sở và nhân viên Y tế thôn bản cũng được tăng c­ường về số lượng, củng cố về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân.

Nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân giai đoạn 2012 – 2015

Phát huy kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2015, thị xã Bắc Kạn phấn đấu: Tăng dân số tự nhiên dưới 1,1%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 15%; 100% các trạm Y tế xã, phường đạt Chuẩn Quốc gia Y tế xã; 95% trở lên trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 7 loại vác – xin; quản lý, theo dõi 100% bệnh nhân lao, bệnh nhân tâm thần, động kinh trên địa bàn; quản lý, tư vấn 90% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng; quản lý thai nghén đối với các bà mẹ mang thai đạt 100%; trẻ em trong độ tuổi được uống vitamin A đạt 100%/năm; 80% trở lên số hộ gia đình được dùng nước sạch; 85% các cơ sở kinh doanh thực phẩm, hành nghề Y- Dược tư nhân trên địa bàn được thanh kiểm tra…

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tiếp theo, thị xã Bắc Kạn xác định: Tích cực tham mư­u cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo về công tác Y tế, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nư­ớc về y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn ngân sách cho ngành Y tế; phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, Ban Chỉ đạo liên ngành vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…; triển khai có hiệu quả các chương trình Y tế Quốc gia và các chư­ơng trình y tế khác; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt công tác sơ cấp cứu ban đầu tại các Trạm Y tế cơ sở; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm như­: Tiêu chảy cấp, sốt rét, viêm não, thuỷ đậu, quai bị, bệnh tay – chân – miệng… phát hiện sớm và dập tắt kịp thời các ổ dịch nhỏ, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; hàng năm điều tra, thống kê, quản lý đầy đủ đối tượng trẻ em trong diện tiêm chủng mở rộng và uống vitamin A; phát hiện, quản lý, tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, lao, tâm thần, động kinh tại cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề Y – D­ược tư nhân và các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; tăng cường các hoạt động truyền thông và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đặc biệt là trên các phư­ơng tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, gián tiếp, tuyên truyền lồng ghép tại cộng đồng dân c­ư; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; tuyên truyền nhân dân sử dụng nguồn nư­ớc sạch trong sinh hoạt và phối hợp điều tra, đánh giá chất lư­ợng nguồn nước trên địa bàn…/.

Thu Cúc