Người chăn nuôi gặp khó khăn khi giá lợn hơi giảm

Gia đình ông Nguyễn Duy Chi ở tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng nuôi 05 con lợn nái, hơn hai chục lợn con và hàng chục con lợn thịt, trước tết ông xuất chuồng 04 con nhưng chỉ được giá dưới 30 nghìn đồng/1kg, do đó ông bị lỗ hàng chục triệu đồng. Hơn một tháng nay đàn lợn của ông phải cho ăn cầm chừng, để cắt giảm chi phí chờ giá lên, mặc dù đàn lợn thịt của ông mỗi con đã được hàng tạ, có thể xuất chuồng được. Ông Nguyễn Duy Chi – tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Hiện nay chăn nuôi của người dân gặp nhiều khó khăn do đầu vào mua cám giá cả tăng rất lớn, mỗi ngày một tăng. Giá lợn hơi năm vừa rồi xuống, dân  chưa từng thấy  bao giờ tụt giá như này, nhiều nhà chăn nuôi hầu như thua lỗ nặng như nhà tôi nuôi tự gây được giống mà vẫn lỗ”.

Với quy mô trang trại khoảng 30 con lợn thịt gia đình anh Lưu Đình Đề ở tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng còn gặp nhiều khó khăn hơn. Do mua thức ăn từ đại lý để đầu tư nuôi lợn thịt, đến thời điểm này đã có thể bán được, nhưng giá lợn hơi chỉ được trên 30 nghìn đồng/1 kg. Nếu bán gia đình anh cũng sẽ lỗ đến vài chục triệu đồng, tính trung bình mỗi con lợn khi xuất chuồng cũng lỗ đến hơn một triệu đồng. Anh Lưu Đình Đề – tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Ở những người chăn nuôi như bọn em, thứ nhất đầu vào mua lợn giống đắt, khi xuất chuồng thì thời điểm hiện nay giá cả rất thấp gọi thợ mua lợn vào họ còn không vào xem. Trong quá trình nếu duy trì nuôi lợn đã nặng hơn tạ mà không xuất chuồng, thì vẫn cho ăn và vẫn lên cân nhưng chậm hơn, ngược lại số cám ăn nhiều thêm”.

Đứng trước sự bấp bênh về giá cả, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã phải sống trong cảnh lo âu, khi giá lợn hơi sụt dốc nhanh chóng, nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh bán không ai mua mà nuôi tiếp thì càng gặp khó khăn hơn. Tình trạng giá lợn hơi sụt dốc như hiện nay là do thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc giảm lượng tiêu thụ. Việc giá lợn hơi giảm đã khiến nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng để nghe ngóng giá tăng mới tiếp tục tăng đàn và khôi phục đàn hoặc tìm ra những giải pháp mới để chăn nuôi hiệu quả hơn. Anh Lưu Đình Đề – tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn cho biết thêm: “Để mà phát triển chăn nuôi  hướng tới mà không để bị bấp bênh theo giá này, em có hướng tự chế biến cám, bằng cách mua máy chế biến cám, để khi giá cả thị trường lên hoặc xuống  thì cũng không sợ  ví dụ lợn em nuôi 05 tháng xuất chuồng, nhưng nếu em tự chế biến cám được thì nuôi đến 07 tháng cũng không sợ bởi khi tự chế biến được thức ăn thì sẽ giảm được 60-70% chi phí”.

Để đối phó với giá lợn hơi giảm nhiều hộ chăn nuôi đã phải cho ăn cầm chừng và không dám cho lợn ăn nhiều như trước, bởi hầu hết các đàn lợn đều đang bị lỗ. Tuy nhiên có một nghịch lý đang diễn ra là mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các chợ vẫn không hề giảm, giá thịt lợn trung bình từ 70 – 80 nghìn đồng/1kg. Hơn lúc nào hết người chăn nuôi đang chờ những tín hiệu lạc quan của thị trường để giải phóng đàn lợn của gia đình và khôi phục đàn lợn nuôi sau khi giá rớt. Từ thực tế này đặt ra cho người chăn nuôi cần nhanh nhẹn nắm bắt thị trường và không nên tăng đàn lợn ồ ạt theo phong trào gây mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng tới thu nhập.