Nhìn lại kết quả 15 năm hoạt động ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, tạo cơ hội giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận với KHKT, cách thức làm ăn để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Để chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân thành phố và Ngân hàng CSXH tỉnh thực sự đi vào cuộc sống và đưa nguồn vốn trực tiếp đến tay hội viên, nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền về các chương trình, văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các quy định của Ngân hàng về cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đến tận chi Hội và Tổ TK&VV. Chỉ đạo các cấp Hội thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy chế, coi trọng việc xây dựng Kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, giám sát theo đúng các công đoạn trong hợp đồng ủy thác để tổ chức thực hiện đảm bảo cho vay đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng trưởng và bảo toàn nguồn vốn.

Qua 15 năm phối hợp, các cấp Hội đã triển khai thực hiện tốt các nội dung chương trình đã ký kết với Ngân hàng CSXH. Đến nay 8/8 xã, phường và 37 Tổ TK&VV đã thực hiện hoạt động ủy thác cho vay với Ngân hàng CSXH với doanh số vốn tăng hàng năm. Tính đến ngày 31/8/2017, tổng dư nợ là 21.165,3 triệu đồng, với 843 hộ vay, chiếm 20,4% tổng dư nợ của NHCS, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,04%. Xác định được tầm quan trọng của việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV, từng bước tạo cho người nghèo có ý thức giành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, tổng dư nợ tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc các Tổ TK&VV do Hội quản lý đạt trên 1.122 triệu đồng, với 37/37 Tổ TK&VV tham gia đạt 100%, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ đạt trên 30 triệu đồng, của mỗi thành viên là trên 1.390.000 đồng. Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh khai thác nguồn vốn cho vay, các cấp Hội còn tranh thủ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ Hội và Tổ trưởng tổ TK&VV. Phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, dạy nghề, tạo việc làm, tham quan các mô hình SXKD giỏi để hội viên nông dân học kinh nghiệm. Thông qua tập huấn năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý vốn của cán bộ hội và các tổ trưởng Tổ TK&VV được nâng lên rõ rệt; các thành viên vay vốn nâng cao nhận thức trách nhiệm, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay có hiệu quả, xuất hiện nhiều hộ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao từng bước cải thiện và nâng cao mức sống gia đình. Hàng năm, Hội đã chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm trồng trọt và BVTV, Trạm Thú y thành phố… mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được 335 buổi cho 15.652 lượt hội viên tham gia; Phối hợp với Trung tâm DN&HTND tỉnh mở được 13 lớp có 732 hội viên tham gia; triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn lợn Móng Cái thuần theo Đề án của UBND thành phố, đến nay tổng đàn lợn nái nuôi theo Đề án là 1.232 con/ 881 hộ nuôi. Triển khai mô hình nuôi vịt thương phẩm với quy mô 600 con có 5 hộ tham gia, kết thúc mô hình được đánh giá hiệu quả và có khả năng nhân rộng.

Ngoài các hoạt động trên Hội còn đứng ra tín chấp ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân để kịp thời cho sản xuất tổng lượng phân bón các loại là 1.450 tấn/ 18.000 lượt hộ; tổ chức giúp nông dân mua 99.000 kg giống lúa, ngô cho 12.047 lượt hộ. Tích cực tuyên truyền đến các hội viên nông dân để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác, cụ thể Hội đã triển khai mô hình của Đề án cánh đồng 100 – 120 triệu đồng/ha. Qua thực hiện kết quả đạt 100 triệu/ha, trong đó mô hình trồng rau của phường Nguyễn Thị Minh Khai đạt được 100 triệu đồng/ha/năm; thực hiện tốt việc triển khai phát triển đàn lợn nái theo Nghị quyết của HĐND thành phố , Đề án phát triển đàn lợn Móng Cái thuần trên địa bàn thành phố…

Việc uỷ thác cho vay thông qua tổ chức Hội đã có tác động tích cực và tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng. Số hội viên nông dân nghèo giảm dần qua các năm từ 714 (năm 2004) đến năm 2017 giảm xuống còn 89 hộ hội viên. Xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân giàu có đạt hộ SXKD giỏi các cấp và được duy trì trong nhiều năm liên tục trong nhiều năm.

Đồng chí Phạm Thị Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Tiếp tục chỉ đạo cơ sở Hội thực hiện tốt 6 nội dung công đoạn đã ký hợp đồng với Ngân hàng chính sách hội; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội tập trung đốn đốc và tuyên truyền và hướng dẫn hội viên, nông dân làm thủ tục để vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội đổi mới phương pháp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; Tăng cường công tác kiểm tra nguồn vốn vay, đảm bảo 100% hội viên, nông dân được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy được hiệu quả trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; Hạn chế đến mức thấp nhất dư nợ xấu.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động uỷ thác cho vay thông qua tổ chức Hội thực sự đã trở thành cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với các hội viên nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng chương trình nông thôn mới tại địa phương./.