Nữ thanh niên xung phong nhớ mãi lời dạy của Bác

Những ngày cuối tháng 3, Cựu Thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngần lại bồi hồi nhớ về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đáng nhớ. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ tặng thơ cho Thanh niên xung phong tại Nà Tu (Bạch Thông) chúng tôi đã có dịp cùng bà ôn lại kỷ niệm về những năm tháng vất vả nhưng vô cùng tự hào.

Bà Hoàng Thị Ngần hiện đang sống ở phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. Theo thời gian, nữ thanh niên xung phong năm xưa tóc đã bạc trắng, bước chân đi lại khó khăn. Ấy vậy mà khi chúng tôi nhắc đến Thanh niên xung phong, bà lại móm mém cười và kể lại như vừa trải qua.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hòa (Ngân Sơn), từ nhỏ bà Ngần đã chịu nhiều thiệt thòi vì bố, mẹ mất sớm, phải ở với gia đình người bác. Năm 17 tuổi, bà Ngần được người chú rủ tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Vậy là từ một cô gái chưa từng ra khỏi lũy tre làng, bà đem theo hai bộ quần áo và hăm hở lên đường. Sau 15 ngày học chính trị, bà bắt đầu công việc làm đường, làm cầu.

“Cuộc sống thanh niên lúc ấy vui và cũng nhiều vấn đề lắm. Chúng tôi ở tập thể, cùng sinh hoạt và lao động. Mỗi người được phát dụng cụ lao động riêng và phải tự bảo quản, nếu mất sẽ không có để làm. Đi làm từ sáng sớm, trưa về có người nấu cơm, tranh thủ nghỉ ngơi để chiều tiếp tục. Công việc chủ yếu là sửa chữa giao thông, làm đường, làm cầu để xe của quân ta đi qua…”, bà Ngần nhớ lại.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ tặng thơ Thanh niên xung phong, bà Hoàng Thị Ngần được các cấp thăm hỏi, động viên và tặng quà.

Không chỉ làm việc vất vả, những Thanh niên xung phong thời ấy còn thiếu lương thực. Có thời điểm đơn vị hết gạo, bà Ngần và các chị em lại vào làng xin gạo của bà con, đổi lại sẽ cùng người dân làm nương, làm ruộng. Có lúc hò hét trốn khi nghe tiếng máy bay lượn trên đầu, cũng có lúc chăm sóc nhau khi chẳng may bị thương. Cứ như vậy, ban ngày cùng nhau đào đất, trải nhựa đường, tếu táo, trêu chọc, cười rộn rã, tối đến lại tỉ tê trò chuyện. Sau 2 năm bà chuyển công tác, bước sang một môi trường mới.

Tâm sự nhiều hơn về tháng năm đáng nhớ, Cựu Thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngần bồi hồi: Thời điểm ấy, chúng tôi biết đến 4 câu thơ của Bác dành tặng cho Thanh niên xung phong, ai cũng thuộc và ghi nhớ trong đầu. Trong hai năm là Thanh niên xung phong, rất nhiều lần chúng tôi đúng là như “đào núi”, “lấp biển”. Tôi nhớ thời gian làm ở huyện Chợ Mới, do cầu chính bị hư hại nặng nên chúng tôi phải làm cầu ngầm. Đầu tiên là tự vào rừng tìm nứa đan sọt, mỗi ngày làm 15 cái, sau 5 ngày đầu ngón tay tôi bật máu; những chiếc sọt đó sẽ dùng để đựng đá làm cầu ngầm. Chúng tôi thay nhau bốc đá, ngâm mình dưới nước hơn nửa tháng thì làm xong cầu. Hay cũng có lần khai phá núi bị đá đè, có người còn gãy cả chân… Mỗi lần gian khổ như vậy, chúng tôi lại nhớ đến những câu thơ Bác tặng, thế là động viên nhau, quyết tâm nhiều hơn nữa. Sau này dù chuyển nhiều ngành, mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều nhớ về tuổi trẻ và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Có thể nói, trên mỗi bước đường phát triển của đất nước đều có những đóng góp thầm lặng của thế hệ ông cha. Mong rằng, những trang sử truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong sẽ tiếp lửa cho thế hệ trẻ ngày càng phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn