Phiêng My phát triển chăn nuôi bò

Tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng (TP.Bắc Kạn) có diện tích nhỏ, hẹp, đồi dốc thoải, khó phát triển các loại cây trồng mang tính hàng hóa. Nhưng địa hình lại phù hợp trồng cỏ voi phục vụ thức ăn cho đại gia súc. Tại địa phương hiện đang có trang trại chăn nuôi bò với gần 200 con, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho bà con địa phương.

Công nhân đang chăm sóc đàn bò trong trang trại của anh Nguyễn Trọng Thắng, ở Tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng.

Anh Nguyễn Trọng Thắng đã từng làm qua nhiều nghề, nhưng lại có niềm đam mê với chăn nuôi bò. Nhận thấy Phiêng My là vùng đất có tiềm năng về trồng cỏ voi, anh quyết định đầu tư trang trại tại đây. Hơn một năm nay, anh vừa làm vừa tìm tòi học hỏi đã có lúc dường như thất bại, nhưng anh vẫn quyết tâm kiên trì theo đuổi đam mê đến cùng. Đến nay, chuồng trại rộng 3.000m2 được anh đầu tư bài bản với số tiền hơn 01 tỷ đồng. Nguồn giống được anh Thắng nhập từ Thái Nguyên, Hà Nội. Trang trại của anh hiện có có gần 200 con bò, bò thương phẩm được anh tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền xuôi. Anh cũng đang nuôi hơn 20 con giống để chủ động về nguồn giống trong tương lai.  Trang trại có bốn công nhân làm việc thường xuyên, đều là người địa phương. Nhờ có trang trại mở ra mà những công nhân này không phải đi làm xa nhà như trước đây. Chị Hà Thị Hiền, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn nói: “Trước đi làm vườn ươm tận Xuất Hóa, làm ở đây vừa gần nhà, công việc thuận tiện, công việc không nặng nhọc mấy, công việc ổn định, lương khoảng 4, 5 triệu đồng/tháng.”

Hơn 3 ha diện tích cỏ voi của trang trại không đủ để cung cấp thức ăn cho bò, nên phải liên kết với bà con địa phương. Vì thế, bà con trong thôn đã tận dụng những diện tích đất trống quanh nhà, diện tích không canh tác được, trồng cỏ voi để bán cho trang trại. Tổ Phiêng My có gần 20 hộ dân, nhiều người thay vì đi làm thuê cũng dần trở về phát triển chăn nuôi với quy mô nhỏ để ổn định cuộc sống. Ông Lưu Văn Đoan, Tổ trưởng tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn nói: “Nhờ có trang trại chăn nuôi lớn, đã tạo điều kiện việc làm cho bà con nhân dân trong tổ và các hộ dân ở đây đã tận dụng những khoảng đất trống để trồng cỏ voi, bán cho trại bò, thêm thu nhập cho bà con”.

Những năm gần đây, địa phương cũng đã định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, do đó, nhận thức bà con có nhiều thay đổi. Điểm đáng nói ở đây là người dân có tính chủ động, giúp đỡ nhau, nhất là sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bị mất việc làm. Trở về địa phương, dựa vào thế mạnh vùng đất này để phát triển chăn nuôi đại gia súc đang là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế./.

                                 Hoàng Thạc