Sâu đo gây hại 10 ha Quế ở phường Xuất Hóa

Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thành phố, tại tổ 2 phường Xuất Hóa, cây Quế đã trồng được 3 – 6 năm hiện đang bị sâu đo gây hại ở mức 10 – 15 con/cành, diện tích nhiễm 10ha/06 hộ, trong đó có 02 ha nhiễm nặng, sâu đã ăn trụi lá.

Sâu đo ăn trụi lá cây quế, tổ 2, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn

Bà Triệu Thị Phòng, người dân ở tổ 2, phường Xuất Hóa, (TP.Bắc Kạn) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng hơn 02ha diện tích trồng cây lâm nghiệp. Trong đó riêng cây quế có khoảng hơn 01ha, số còn lại là cây mỡ. Hai năm trước, cây mỡ cũng có sâu phá hoại, gia đình đã kịp thời phun thuốc diệt trừ, cây tiếp tục phát triển tốt. Thời gian qua, trong khu vực này xuất hiện sâu ăn lá đối với cây quế. Những hộ bị trước, một số diện tích đã bị sâu ăn trụi hết lá, chỉ còn trơ lại thân cây. Diện tích quế của gia đình tôi bắt đầu xuất hiện sâu ăn khoảng vài ngày, nhưng sâu đã hại khoảng một nửa. Tôi không biết là sâu gì và cũng chưa biết phun thuốc gì để diệt trừ. Gia đình tôi trồng quế từ năm 2002 đến nay đã gần 20 năm, chưa thấy xuất hiện loại sâu như thế này”.

Việc sâu hại quế đã được tổ trưởng dân phố, bà con thông báo lên UBND phường Xuất Hóa. Bà con được hướng dẫn phun thuốc diệt trừ. Tuy nhiên, có một số hộ dân cho biết, mặc dù đã phun thuốc nhưng vẫn có sâu ăn lá. Ông Hoàng Hữu Khiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa cho biết: “Sau khi được tin báo của bà con tổ 2 về tình hình sâu hại cây Quế, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phường phối hợp cùng với cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố, tổ trưởng tổ 2,  các hộ dân có diện tích Quế bị sâu phá hoại xuống thực địa tại các khu rừng trồng quế để kiểm tra, nắm tình hình hiện trạng để cùng tìm biện pháp phòng trừ. Theo ngành chuyên môn, đây là loại sâu đo ăn lá quế, từ trước tới giờ trên địa bàn phường Xuất Hóa chưa xuất hiện loại sâu này”.

Theo khuyến cáo của phòng chuyên môn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu đo gây ra trên cây Quế, đề nghị các chủ rừng cần phát quang dưới tán rừng để thuận tiện cho việc phòng trừ sâu hại; bắt diệt sâu non đối với diện tích cây thấp, mật độ sâu ít. Với diện tích rừng Quế có mật độ sâu cao, cần sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Patox 95SP; Gà nòi 95SP; Victory 585EC; Boxing 99.99EW… để phun trừ sâu. Đối với những diện tích sâu đã vào nhộng, dùng cuốc, xẻng xới đất đều sâu theo tán lá 3 -5 cm để diệt nhộng. Tiến hành theo dõi lứa sâu tiếp theo, khi trưởng thành bướm sâu đo xuất hiện có thể dùng bẫy thu hút để tiêu diệt./.

Minh Cường