Sau khi ban hành Nghị quyết số 15 – NQ/TU, ngày 17 tháng 7 năm 2012 về phát triển giáo dục giai đoạn 2012 – 2015, Thị ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo các chi, đảng bộ tổ chức quán triệt nội dung nghị quyết, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong ngành Giáo dục – Đào tạo. Trong nhiệm vụ công tác hàng năm Ban Chấp hành Đảng bộ đều đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo công tác Giáo dục – Đào tạo.
Các cấp ủy, chính quyền thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công tác Giáo dục – Đào tạo, cụ thể: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên… UBND thị xã xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo Ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức thực hiện theo đúng Chương trình hành động đã đề ra; thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học nâng cao chất lượng giáo dục; chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực vào phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sau hơn 02 năm thực hiện nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết, quy mô Giáo dục – Đào tạo thị xã phát triển khá toàn diện và vững chắc. Hệ thống trường Mầm non đến THPT phát triển hợp lý. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 24 trường, trong đó có 8 trường Mầm non, 10 trường Tiểu học, 05 trường THCS và 01 trường THPT. Công trình trường THCS Đức Xuân đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến năm học 2015 – 2016 sẽ đưa vào sử dụng.
Tính đến hết năm học 2013 – 2014, tổng số nhóm lớp trên địa bàn là 298 (thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết giao 9 lớp), đạt 97,06% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng số học sinh là 9.061 (thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết giao 389 học sinh), đạt 95,8%. Giáo dục Mầm non và Tiểu học có số lớp và học sinh đều tăng nhanh: so với năm học 2010 – 2011, Mầm non có 97 nhóm lớp với 3.000 học sinh, tăng 12 nhóm lớp và 391 em; Tiểu học có 117 lớp với 3.222 học sinh, tăng 13 lớp và 613 em; Trung học cơ sở giảm về số lớp nhưng tăng về sĩ số học sinh (giảm 3 lớp, sĩ số tăng 178 em); cấp THPT giảm cả về số lớp và sĩ số học sinh: 31 lớp với 957 học sinh, giảm 01 lớp và 613 em học sinh.
Cấp ủy chính quyền thị xã tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Từ năm 2012 đến nay, tổng số vốn đã đầu tư cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa các trường học là 34.734 triệu đồng. Các công trình xây mới bao gồm: 04 trường học và 01 nhà Đa năng . Hiện nay, số phòng học do thị xã quản lý là 290 phòng học, tăng 10 phòng so với năm học 2011 – 2012, trong đó, phòng học kiên cố đạt 74,1 %, bán kiên cố chiếm 17,9%, phòng học tạm và học nhờ chiếm 8%; 15 trường học có thư viện, 6 trường có phòng thí nghiệm, thực hành. 100% các trường Mầm non và Tiểu học đủ điều kiện tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ ngày.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm. Hiện nay, có 11/24 trường đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, đạt 45,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong số các trường chưa được cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất: 05 trường đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp mới, 08 trường chưa hoàn thiện hồ sơ.
Trang thiết bị, sách giáo khoa, tài liệu phục vụ cho công tác dạy và học được cung cấp, bổ sung hằng năm tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay 100% các trường được trang bị máy tính và nối mạng Internet phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập trong nhà trường. Nhiều nhà trường đã có phòng máy tính và các thiết bị dạy học hiện đại như: Máy chiếu hắt, máy chiếu Projecter để phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và trong hoạt động dạy và học.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2012 đến nay, thị xã có thêm 02 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (Mầm non Huyền Tụng, Tiểu học Sông Cầu).
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, đội ngũ giáo viên được quan tâm phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Thị xã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Ngành Giáo dục – Đào tạo tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng thường xuyên và quan tâm công tác phát triển Đảng trong các trường. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thuộc thẩm quyền thị xã quản lý là 570, trong đó: Mầm non: 196, Tiểu học: 223, THCS: 136, Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã là 15. Đến nay, 100% cán bộ quản lý các trường đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý về giáo dục. 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 73,87 % trên chuẩn, tỷ lệ giáo viên có tay nghề khá, giỏi trên 85%. Có 27/49 cán bộ quản lý tương ứng với 57.14% đạt trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Tỷ lệ giáo viên có tay nghề khá, giỏi ngày càng tăng nhưng không đều giữa các năm.
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao thông qua việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai tốt phong trào thi đua xây dựng “Trường lớp của bé xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”; thực hiện tốt công tác y tế học đường và khám, theo dõi sức khỏe định kỳ; nhiều hoạt động giáo dục được các nhà trường quan tâm thực hiện như: tuyên truyền nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học, tổ chức tốt các chuyên đề giáo dục trẻ; phối hợp với phụ huynh học sinh, các cơ quan liên quan thực hiện các chương trình phòng, chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng trẻ em. Năm học 2013 – 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (trong ngành giáo dục) còn 4,74% vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp và duy trì sĩ số hàng năm đạt 100% , tỷ lệ học sinh tiên tiến và xuất sắc đạt 62,6%, tăng 6,71% so với năm học 2010 – 2011.
Các cấp học phổ thông tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, giảm tải chương trình nội dung sách giáo khoa, thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học (SEQAP) và mô hình trường học mới (NVEN). Xây dựng và duy trì tốt nền nếp, kỷ cương trong trường học, vận động giáo viên và học sinh thực hiện tốt các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh trong nhà trường. Tiếp tục duy trì củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Lễ Khai giảng năm học 2014-2015 của trường THCS Xuất Hóa
Công tác giáo dục phổ thông của thị xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường được duy trì và giữ vững, duy trì sĩ số hàng năm Tiểu học đạt 100%, THCS đạt trên 99% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết), THPT đạt 74,35% (chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 và lớp 6 đạt 100% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết); tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp Tiểu học đạt 84,02% (tăng 7,34% so với năm 2010 – 2011, vượt chỉ tiêu Nghị quyết); cấp THCS đạt 58,29% (tăng 4,47% so với năm học 2010 – 2011, chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết); tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc THCS từ năm học 2011 – 2012 đến nay đều đạt trên 98%; 95% học sinh tốt nghiệp THCS được huy động vào các trường THPT hoặc Bổ túc THPT (đạt chỉ tiêu nghị quyết). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc THPT năm sau cao hơn năm trước (năm học 2013 – 2014 đạt 99,71%, vượt 2,71% so với chỉ tiêu nghị quyết); có 2.257 lượt học sinh đạt các giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thị xã, 735 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đoàn giáo viên, học sinh thị xã tham gia các hội thao, hội diễn cấp tỉnh đều đạt giải cao. Ngoài công tác giáo dục văn hóa, thể thao, các trường còn tích cực phối hợp tuyên truyền trong học sinh về pháp luật như: thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người, mại dâm, HIV/AIDS….nhằm nâng cao ý thức và bổ trợ kiến thức pháp luật cho học sinh.
Các xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng, trong đó lấy Trung tâm HTCĐ xã Xuất Hóa làm điểm, các Trung tâm đã phát huy được vai trò phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân. Từ năm học 2011 – 2012 đến nay Trung tâm đã phối hợp với các ban ngành mở được 431 lớp tập huấn về các chuyên đề như: Tìm hiểu về pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thu hút 14.923 lượt học viên tham gia. Tuy nhiên cơ sở vật chất của một số Trung tâm vẫn chưa đảm bảo ; Ban lãnh đạo Trung tâm thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động của Trung tâm.
Trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến, ngành giáo dục thị xã luôn nhận được sự quan tâm đóng góp ủng hộ về vật chất, kinh phí của nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài thị xã để tu sửa cơ sở vật chất trường học, bếp ăn, sân chơi, trang thiết bị dạy học… Ngành giáo dục thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, động viên khen thưởng các thầy cô giáo và học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập. Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực phối hợp và ủng hộ ngành Giáo dục – Đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện nghị quyết ngành giáo dục còn gặp những hạn chế như:Quy mô phát triển trường, lớp chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ các trường được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là giáo dục mầm non. Số phòng học tạm, học nhờ còn khá nhiều; tỷ lệ các trường đạt chuẩn Quốc gia còn thấp; việc kết hợp giữa ba môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội chưa thực sự hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục tuy đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Bắc Kạn lần thứ 18 – Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 về phát triển Giáo dục – Đào tạo
Với những kết quả đạt được và một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Đảng bộ thị xã xác định, trong thời gian tới thị xã cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giáo đào tạo; Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh quán triệt thực hiện vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp thiết về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “Hai không” của Bộ giáo dục; Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 14 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Duy trì đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Dạy tốt, học tốt” và trường “xanh, sạch, đẹp” trong các nhà trường…