Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy bảo vệ tính mạng và tài sản

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy. Thời gian qua nhiều vụ cháy xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Một vụ cháy xảy ra tại điểm kinh doanh cafe – karaoke, tổ 13, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn năm 2020

 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.154 vụ cháy (trong đó 1.071 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 83 vụ cháy rừng), làm chết 53 người, bị thương 77 người, tài sản thiệt hại ước tính gần 300 tỷ đồng và trên 3000 hécta tài nguyên rừng. So với 06 tháng đầu năm 2020, số vụ cháy giảm 336 vụ, số người tử vong tăng 11 người, số người bị thương giảm 09 người, về tài sản thiệt hại giảm gần 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tình hình nổ: Xảy ra 14 vụ nổ, làm 06 người chết, bị thương 11 người. So với 06 tháng đầu năm 2020, số vụ nổ giảm 05 vụ, số người chết không tăng; số người bị thương giảm 14 người.

Trong 09 tháng đầu năm 2021,  trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra 22 vụ cháy.  Trong đó, có 06 vụ cháy nhà dân, 02 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, 01 vụ cháy chợ… gây thiệt hại khoảng trên 8,5 tỷ đồng. So với 9 tháng đầu năm 2020, số vụ cháy và thiệt hại đều giảm đáng kể, đó cũng là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và ý thức quan tâm đối với công tác PCCC của người dân được nâng cao.

Trong bối cảnh đất nước không ngừng phát triển, công tác PCCC càng giữ một vai trò quan trọng, ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh; tại các đô thị xuất hiện ngày càng nhiều công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy lớn.

Điển hình như vụ cháy căn nhà 3 tầng ở số nhà 812, đường Quang Trung, Phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, vào khoảng 01 giờ sáng, ngày 5/6/2021 khiến 04 người trong cùng gia đình tử vong thương tâm, gồm vợ, chồng cùng 02 người con nhỏ, ngoài ra người vợ đang mang thai 6 tháng. Vụ cháy tại phòng trà Fill ở đường Đinh Công Tráng, TP Vinh (Nghệ An) vào lúc 0h15 phút, ngày 15/6/2021, khiến 06 người đang ở trong toà nhà 3 tầng bị tử vong, trong đó có 01 phụ nữ đang mang thai. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Nghệ An đã huy động 07 xe chuyên dụng, cùng gần 100 cán bộ chiến sĩ đến khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, do gió thổi mạnh, trong phòng trà có nhiều vật dụng dễ cháy, lửa bốc cao nên việc chữa cháy gặp khó khăn. Đây là vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và rất thương tâm; tại tỉnh Gia Lai, vào lúc 15 giờ 45 phút, ngày 02 tháng 12 năm 2020 xảy ra vụ nổ xe chở xăng dầu tại Gara xe ô tô Đức Thanh, địa chỉ: số 459 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Gia Lai đã xuất 02 xe chữa cháy, cùng 12 CBCS đến hiện trường lúc 16 giờ 00 phút. Gara xe ô tô Đức Thanh có diện tích khoảng 300m2; hậu quả đã khiến 01 người chết và 02 người bị thương nặng, xe chở xăng dầu mang BKS 77C – 191.84 thuộc Tổng công ty dịch vụ xăng dầu Petrolimex bị hư hỏng nặng, một phần mái tôn của Gara bị phá hỏng, các công trình bên cạnh cũng bị ảnh hưởng bởi chấn động của vụ nổ. Qua đây mọi người không được phép chủ quan lơ là trong công tác PCCC.

Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình. Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Ở các đô thị lớn, đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.

Ngày 04/10/1961, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC mà kết quả đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và của xã hội.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật PCCC cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2013 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định thi hành một số điều của quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy chữa cháy, mỗi người hãy tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn nhiệt, nguồn lửa và các chất dễ cháy ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra góp phần đảm bảo ANTT bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mọi người.

Tổng hợp: Minh Cường