Thành phố Bắc Kạn chủ động phòng, chống thiên tai từ xa, từ sớm

Từ xưa đến nay, thiên tai luôn mang lại thiệt hại nặng nề, không chỉ vể tính mạng, sức khỏe của con người mà còn thiệt hại về tài sản của xã hội. Chính sự thay đổi bất thường của thời tiết càng đòi hỏi sự chủ động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về phòng, chống thiên tai từ xa, từ sớm.

5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã xuất hiện 03 đợt mưa dông lớn. Cụ thể, quý I/2022, xảy ra 02 đợt mưa lớn, gây thiệt hại đến hoa màu và công trình công cộng ước thiệt hại 01 tỷ đồng. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra và xây dựng phương án khắc phục xử lý. Mới đây nhất, đợt mưa dông ngày 30/5 và rạng sáng 31/5/2022, khiến cho nhiều tuyến đường giao thông nội, liên thôn, tổ bị sạt lở, một số hộ dân bị đất, đá sạt, trượt vào phía tường sau nhà, địa phương đã huy động lực lượng thanh niên, dân quân, nhân dân trong tổ hỗ trợ, khắc phục thiên tai, ổn định đời sống cho người dân. Địa phương không có thiệt hại về người.

Trận mưa ngày 30/5 và rạng sáng 31/5/2022 khiến đất đồi sạt, trượt xuống khu vực chăn nuôi của người dân

Thành phố Bắc Kạn nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng, mưa nhiều (80% lượng mưa cả năm), mùa đông lạnh và ít mưa. Khí hậu thành phố nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung có sự phân hóa theo độ cao của địa hình. Vì vậy không có sự khác nhau về khí hậu giữa các khu vực thuộc thành phố về nhiệt độ. Hằng năm, khi xuất hiện mưa dông lớn, kéo dài trên địa bàn thành phố sẽ gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội thành, một số diện tích hoa màu ven sông, suối bị ngập úng; đất, đá từ trên núi sạt, trượt xuống khiến hệ thống đường giao thông các thôn, tổ bị tắc nghẽn, hỏng hóc phải bố trí kinh phí, phương tiện khắc phục, sửa chữa.

Qua ghi nhận thực tế các đợt thiên tai vừa qua cho thấy, các xã, phường đang thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Trong đó, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ đã bám sát địa bàn phân công, trực tiếp xuống kiểm tra thực tế, thống kê mức độ thiệt hại, kịp thời triển khai phương án  ứng phó linh hoạt, hiệu quả. Khi được huy động, lực lượng nòng cốt gồm công an, quân sự, lực lượng dân quân đã tham gia hỗ trợ di dời tài sản, gia cố nhà cửa, khắc phục tạm thời các công trình  công cộng; hướng dẫn người dân ở vùng nguy hiểm di dời đến khu vực an toàn, đảm bảo thực hiện hỗ trợ trước mắt về nước uống, lương thực thực phẩm, chỗ ở tạm thời,…

Hàng năm, thành phố cũng đầu tư ngân sách sửa chữa hệ thống cầu, cống, xây dựng thêm các hạng mục lớn như đập tràn qua dòng sông Cầu, đảm bảo khi mực nước lũ dâng cao hạn chế lượng nước chảy về vùng hạ lưu. Thành phố chỉ đạo thực hành diễn tập công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ luân phiên tại các xã, phường tạo điều kiện cho cấp cơ sở nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch, kịch bản phương án phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế; huy động đúng, đủ lực lượng, phương tiện tham gia khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Thành phố có 06 phường, 02 xã. Hiện nay, các tuyến đường nội, liên thôn, tổ trên địa bàn có nhiều đoạn có taluy dương rất cao. Các địa phương qua kiểm tra, thống kê, cảnh báo các điểm xung yếu, khuyến cáo người dân không xây dựng các công trình ở những khu vực này. Đồng thời, phối hợp quản lý, xử lý hệ thống rãnh mương, cống thoát nước, kịp thời báo cáo các điểm sạt, trượt trên hệ thống giao thông, khu vực dân cư theo phân cấp. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng thiên tai xử lý vệ sinh môi trường sau khi có lũ, bão xảy ra, hạn chế dịch bệnh phát sinh,…Đối với những địa bàn có nhiều suối chảy qua, hàng tháng, quý các xã, phường thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, huy động người dân tham gia phát quang, dọn dẹp lòng suối để đảm bảo khơi thông dòng chảy, tránh ùn ứ, tắc nghẽn, hạn chế tình trạng ngập lụt cục bộ một số thôn, tổ,  ngập úng hoa màu, cây cối, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng,…

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền thành phố đến cơ sở cần xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai bám sát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng –an ninh hàng năm. Duy trì hoạt động sơ, tổng kết đã đánh giá đúng kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế trong xây dựng phương án, khả năng ứng phó, khắc phục thiên tai của địa phương. Tiếp tục tuyên truyền nội dung Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 do Quốc hội ban hành, cùng các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Tỉnh, thành phố có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai tới mọi tầng lớp nhân dân. Chính quyền địa phương các cấp duy trì, chủ động kiện toàn số lượng thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, cứu nạn cứu hộ theo quy định. Chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và các điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai cao. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin truyền thông kịp thời về cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra. Phổ biến, tuyên truyền đến mọi cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống thiên tai, một loại quỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai, trong đó ưu tiên hỗ trợ các hoạt động như: Cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc uống và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với việc làm tốt công tác dự báo, đánh giá chính xác cấp độ rủi ro thiên tai gây ra, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của công dân và toàn xã hội, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội từng năm, từng giai đoạn đề ra./.

Triệu Biển