Thành phố Bắc Kạn chú trọng phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch

Tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản ngày càng tăng (thương mại – dịch vụ tăng từ 50,6% năm 2010 lên 54,4% năm 2015, vượt 0,4% so với chỉ tiêu NQ; Công nghiệp- xây dựng cơ bản tăng từ 37,7% lên 38,2%). Sản xuất nông – lâm nghiệp giảm từ 10,8% xuống còn 7,4%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 2010-2015 đạt 18,77%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 1.970 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, mạng lưới chợ được quan tâm đầu tư xây dựng đảm bảo cho nhân dân họp chợ khang trang và sạch đẹp, các mặt hàng kinh doanh đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phối hợp tổ chức được nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, thu hút nhiều đơn vị kinh doanh ở các địa phương khác đến tham gia và giao lưu buôn, bán cùng với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp ở địa phương; số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại – dịch vụ ngày càng tăng, có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Thương mại dịch vụ phát triển góp phần thay đổi diện mạo đô thị

Để có được những kết quả đó, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo phát triển lĩnh vực này. Năm 2011 Thị ủy Bắc Kạn (nay là thành ủy) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch giai đoạn 2011-2015 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu lớn và cụ thể trong phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch. Hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, giao cho UBND thị xã (nay là thành phố) xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra: xây dựng quy chế quản lý, khai thác  tốt các chợ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn các tổ chức cá nhân kinh doanh đúng pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; thực hiện dân chủ, công khai các đề án, chương trình phát triển kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng tham gia kinh doanh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu của Nghị quyết cơ bản hoàn thành, trong đó có những kết quả nổi bật như:

Công trình chợ Bắc Kạn được đưa vào khai thác trong quý IV năm 2011, với 150 hộ kinh doanh cố định, 50 hộ kinh doanh không cố định; tầng 2 của chợ được bố trí làm siêu thị BK Mart với nhiều mặt hàng kinh doanh đáp ứng nhu cầu của nhân dân; Chợ Đức Xuân có 383 hộ kinh doanh cố định, có trên 350 người/ ngày kinh doanh không cố định, các dịch vụ phục vụ đảm bảo thuận tiện cho nhân dân tham gia mua bán hàng hóa; đầu tư xây dựng mới Điểm mua bán khu Quang Sơn  đưa vào sử dụng năm 2014, với tổng số 58 quầy hàng, 34 hộ kinh doanh cố định và 20 hộ kinh doanh không cố định; Chợ Nguyễn Thị Minh Khai được UBND thành phố giao cho Công ty cổ phần chợ Bắc Kạn thực hiện và sửa chữa, thường xuyên đảm bảo cho các hộ kinh doanh ổn định với tổng số ki ốt, quầy hàng là 81, có 75 hộ kinh doanh các dịch vụ, 105 người/ngày kinh doanh không cố định; quy hoạch khu đường Thanh niên, thuộc phường Sông Cầu làm khu ẩm thực và giao cho Công ty cổ phần chợ Bắc Kạn quản lý và khai thác, hiện nay có trên 20 hộ kinh doanh.

UBND thành phố quan tâm phối hợp tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân tham gia các hội chợ Quốc tế và xúc tiến thương mại trên địa bàn, giới thiệu các sản phẩm của địa phương. Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân có điều kiện giao lưu, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho việc học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và các sản phẩm nông sản của địa phương; thúc đẩy các quan hệ thương mại với các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kịp thời xử lý các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về kinh doanh. Đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, hàng chính sách xã hội, hàng trợ cước, trợ giá được cung ứng đầy đủ, bán theo đúng giá niêm yết. Thường xuyên rà soát, phê duyệt quy chế quản lý, phương án sắp xếp các ngành hàng tại các chợ trên địa bàn thành phố; kịp thời cải tạo, sửa chữa đảm bảo ổn định cho các tập thể, cá nhân kinh doanh.

Tạo điều kiện và thực hiện đúng quy trình về thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép kinh doanh rượu và sảm phẩm thuốc lá, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn, khai thác nguồn nguyên liệu, lâm sản, liên doanh liên kết sản xuất hàng hoá và tiêu thụ sản phẩm.  Quan tâm khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường hàng hoá và thực hiện hỗ trợ, trợ cước, trợ giá các mặt hàng; chính sách và bình ổn giá trên địa bàn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Kinh doanh ẩm thực ở khu vực đường Thanh Niên

Hoạt động thương mại – dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế, số lượng hộ kinh doanh, các doanh nghiệp ngày càng tăng. Đến nay, toàn thành phố có 3.525 hộ kinh doanh cá thể bằng 117,5 % chỉ tiêu Nghị quyết; có 428 doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn. Thành phố đang trong quá trình phát triển, các loại hình dịch vụ tăng nhanh theo nhu cầu đời sống của nhân dân. Các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, cơ khí; các dịch vụ viễn thông, tài chính ngân hàng, vận tải hành khách và hàng hóa; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, siêu thị được mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và xây dựng mới như: Khách Anh Thư, Núi Hoa; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư BIDV, Ngân hàng Công thương; siêu thị Lan Kim, BK Mart Bắc Kạn cùng nhiều siêu thị điện máy khác đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường hàng hóa; Bến xe khách Bắc Kạn với 17 tuyến cố định; trung bình 750 lượt khách/ngày; Các tour du lịch bước đầu đã kết nối với các tỉnh lân cận nhằm tạo ra các tuyến, tour du lịch có sức thu hút du khách.

Ngoài ra, thành phố luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư, đường giao thông nông thôn, trung tâm văn hóa các xã, phường và quy hoạch phát triển kinh tế, tạo ra mạng lưới lưu thông hàng hoá thuận lợi từ trung tâm các xã đến trung tâm thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch của thành phố còn gặp khó khăn, hạn chế như: Kinh tế hàng hoá chưa phát triển mạnh, thu nhập của người dân khu vực nông thôn còn thấp; lĩnh vực kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân phát triển nhưng còn nhỏ lẻ. Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, trung tâm thương mại – dịch vụ- du lịch, các chợ đầu mối và một số các thiết chế văn hoá, công trình văn hoá, khu vui chơi, giải trí còn chậm. Việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn hạn chế và sản xuất còn mang tính tự phát; thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và tổ chức sản xuất – kinh doanh, chưa có sản phẩm mũi nhọn, khả năng cạnh tranh các ngành hàng còn yếu. Hoạt động dịch vụ của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn thấp và chậm phát triển như dịch vụ du lịch, kinh doanh bất động sản, tài chính, tín dụng… Chưa khai thác được tiềm năng về du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái…

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế phấn đấu đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn với những mục tiêu cụ thể đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa VI đề ra trong chương trình công tác trọng tâm toàn khóa đó là:  Tham mưu với Tỉnh, phối hợp với các sở, ngành kêu gọi đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ. Chủ động quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo quỹ đất cho phát triển thương mại, dịch vụ với mục tiêu trở thành điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa cho toàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Phát triển mô hình hợp tác xã, tổ, nhóm thương mại, dịch vụ; phát triển các hình thức liên kết, liên doanh giữa thương mại, dịch vụ và sản xuất. Tiếp tục nâng cấp chợ Minh Khai, xây dựng chợ đầu mối tại Xuất Hóa; khai thác, sử dụng có hiệu quả chợ Đức Xuân; hình thành phố ẩm thực, chợ đêm; bố trí hợp lý các địa điểm để tạo điều kiện cho nhân dân kinh doanh. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ, siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ… bảo đảm hàng hóa lưu thông có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá. Phát triển du lịch gắn với tour du lịch sinh thái Hồ Ba Bể, Thác Bản Dốc, Pác Bó, ATK Định Hóa,… phấn đấu trở thành điểm trung chuyển hoặc tạm nghỉ cho các điểm du lịch trong khu vực, định hướng phát triển thành một điểm du lịch chính thức khi các cơ sở hạ tầng và dịch vụ của thành phố được hoàn thiện. Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân đầu tư mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: nhà nghỉ, khách sạn, tuor du lịch, nhà hàng và các dịch vụ vui chơi, giải trí.