Thành phố Bắc Kạn đánh giá xếp hạng 11 sản phẩm OCOP năm 2020

Vừa qua, thành phố Bắc Kạn  tổ chức đánh giá, xếp hạng 11 sản phẩm OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm” năm 2020 thuộc 04 tổ chức kinh tế trên địa bàn.

Công ty cổ phần Bắc Hà Bắc Kạn được sếp hạng 4 đến 5 sao

Thời gian qua, ngoài việc hướng dẫn các cơ sở đăng ký ý tưởng sản phẩm để được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố, các phòng, ban chuyên môn thành phố còn định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình phát triển của các HTX, để tư vấn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn và từng bước chuẩn hóa theo quy định, hướng đến mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để sản phẩm được xuất bán ra thị trường các tỉnh trên cả nước.

Qua đánh giá, xếp hạng, năm 2020 trong tổng sô 11 sản phẩm đăng ký nâng hạng, có 06 sản phẩm gồm: Vi-cumax + Nano curcumin(nước); Vi-cumax + Nano curcumin(viên); Trà thảo dược gừng gió núi đá; Trà thảo giảo cổ lam núi đá; Vi-cumax Plus Nano curcumin(bột); Vi-cumax Plus Nano curcumin(viên), của công ty cổ phần Bắc Hà Bắc Kạn đạt từ 90 đến 92 điểm được xếp hạng 4 đến 5 sao; có 05 sản phẩm OCOP mới tham gia năm 2020 gồm: Gà ta thả đồi thảo dược, của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ba Bể; Mộc nhĩ Minh anh thái chỉ; Trà túi lọc Linh chi Minh Anh của HTX Minh Anh; Thịt lợn gác bếp Dung Dinh, Lạp sườn gác bếp Dung Dinh của HTX Dương Quang đạt từ 62 đến 67 điểm được xếp hạng 3 sao. Nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên là 29 sản phẩm, trong đó có một sản phẩm tham đánh giá phân hạng cấp quốc gia.

Năm nay, với 11 sản phẩm OCOP đăng ký nâng hạng được thành phố Bắc Kạn đánh giá, phân hạng, địa phương tiếp tục hoàn thiện các thủ tục trình tỉnh Bắc Kạn ra quyết định công nhận  sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 cấp thành phố cho các chức kinh tế trên địa bàn.

Chương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP nhằm mục tiêu phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, đồng thời cung cấp thông tin cho người tiêu dùng từ đó thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Minh Cường