Thành phố Bắc Kạn đề ra nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, là năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Kạn khóa VI, nhiệm kỳ 2016 – 2020. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, khắc phục khó khăn cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trên 19%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng hướng, sản xuất thương mại – dịch vụ chiến tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố (57,86%), sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (35,68%), sản xuất nông lâm nghiệp (6,46%).

Bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại khó khăn như: Chưa có đột phá rõ nét trong phát triển kinh tế, nguồn thu ngân sách không ổn định; Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư khá đồng bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Nguồn lao động được đào tạo chưa nhiều, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hộ cá thể còn thấp, chưa thực sự chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; Hàng hoá của người dân chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung… những  điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. 

        Toàn thành phố hiện có 441 doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể trong đó:

 Có 09 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế, chủ yếu là sản xuất gạch, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và gia công cơ khí… Hộ sản xuất cá thể có 432 cơ sở đang hoạt động có hiệu quả, chủ yếu kinh doanh về cơ khí, gạch bi, lắp giáp máy nông nghiệp… Trong đó năm 2016 phát triển được 21 cơ sở chủ yếu tập trung ở công nghiệp chế biến nhỏ lẻ như sản xuất xen hoa cửa sắt, sản xuất đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn ghế,… Năm 2016, giá trị sản xuất ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 210 tỷ 281 triệu đồng, bằng 101,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp khai thác là: 7.788,1 triệu đồng, bằng 87,06% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến là 202.444.8 triệu đồng, bằng 101,76% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong năm 2016 là khai thác cát, sỏi, ước đạt 37.885m3; trang phục là 79,15 nghìn chiếc; Sen hoa cửa sắt là 69,04 tấn; than tổ ong là 415 tấn; Gạch không nung 26.260 nghìn viên; sản xuất giường, tủ, bàn ghế là 7.156 chiếc…Giải quyết việc làm cho 1.000 lao động tại địa phương.

 

Cơ sở sản xuất Rọ thép tổ 3 phường Sông Cầu

         Thành phố đã triển khai đầy đủ các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho các cơ sở được vay các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên  sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu tính bền vững dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế chậm; nguồn thu ngân sách không ổn định, thiếu tính đa dạng.

         Do điều kiện địa lý, địa hình phân cách làm ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, chưa hình thành được các cụm công nghiệp trong khu vực thành phố và chưa thực sự thu hút đầu tư để trở thành nơi sản xuất, lắp ráp phụ kiện và sản xuất tiêu dùng của các cụm công nghiệp.

         Thiếu sự định hướng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ở các lĩnh vực nên dẫn đến chưa xây dựng được cơ chế và vận động đối với các hình thức sản xuất quy mô lớn như doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình liển kiết giữa doanh nghiệp với người dân.

Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2017 cơ cấu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 38,4%. Giá trị sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp đạt 373 tỷ đồng/năm (theo giá cố định năm 2010)

Năm 2017, thành phố Bắc Kạn  xác định công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là ưu tiên chiến lược trên địa bàn, tập trung vào công nghiệp phụ trợ, sản xuất các sản phẩm và linh kiện phục vụ nhu cầu các cụm công nghiệp lớn và trung tâm dân cư lớn tại các tỉnh phía bắc. Xây dựng các điểm và cụm công nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với địa hình của địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX… đầu tư xây dưng nhà máy chế biến, lắp giáp… Ưu tiên tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ và trong tỉnh.

Thúc đẩy chế biến các sản phẩm nông, lâm sản gắn với những sản phẩm đặc trưng là thế mạnh của thành phố. Tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến nông, lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu và lao đông tại địa phương; Khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng, thường xuyên đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tạo điều kiện cho các sản phẩm sản xuất được tiêu thụ thuận lợi như: các sản phẩm gia công cơ khí, lắp đặt công trình, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng. Thực hiện việc quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong lĩnh vực đô thị, đất đai để hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ tạo nền tảng pháp lý cho các nhà đầu tư tiếp cận để thực hiện xây dựng các công trình và dự án dự kiến xây dựng.

        Để thực hiện được các mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành phố Bắc Kạn đề ra nhiều giải pháp để  phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2017 trong đó  đề cao sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hoạt động phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo động lực để các ngành kinh tế – xã hội khác của địa phương cùng phát triển.

Thực hiện dân chủ, công khai các đề án, chương trình phát triển kinh tế về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng tham gia.Tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở quy hoạch, phát triển đô thị gắn với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng, phát triển Cụm công nghiệp Phiêng My, phường Huyền Tụng. Bản Đồn 1, Lủng Hoàn phường Xuất Hóa. Quy hoạch quỹ đất thu hút các nhà đầu tư xây dựng, phát triển khu sản xuất kinh doanh phía Tây đường Minh Khai, Khu sản Xuất kinh doanh Đức Xuân, Sông Cầu, Nông Thượng. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các dự án trọng điểm; xây dựng quy hoạch và tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp thành phố. Nâng cao hiệu quả xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Chú trọng các ngành chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển đô thị, quản lý, thực hiện tốt các dự án thành phố làm chủ đầu tư, tăng cường thực hiện hoàn thiện công trình, dự án trên địa bàn, xử lý tốt nợ đọng xây dựng cơ bản. Tập trung đầu tư nguồn vốn để xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy, nhà xưởng….vv. Ưu tiên các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sản xuất có nhu cầu hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề theo chương trình khuyến công.

 Lựa chọn ngành nghề sản xuất có thế mạnh như: chế biến nông lâm sản, khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kết cấu xây dựng… có chính sách hỗ trợ phát triển và kêu gọi đầu tư cho phù hợp. Thường xuyên nắm bắt số liệu về hoạt động sản xuất công nghiệp để kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết về địa điểm, chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng vào cụm công nghiệp.

Tham mưu cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề có ưu thế trong lĩnh vực gia công phụ trợ, chế biến hàng hóa. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, có phương án hỗ trợ hợp lý với các Hợp tác xã, doanh nghiệp khi khởi nghiệp và trong sản xuất; tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính cùng với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị của thành phố trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép, trình tự xây dựng cơ bản để tạo đà thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra sản phẩm, việc làm, giảm nghèo, và tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển./.