Thành phố Bắc Kạn phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị

Thành phố Bắc Kạn từ khi là thị xã đã có nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển, không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu cả về chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh. Năm 2012 được công nhận là Đô thị loại III, đến tháng 3 năm 2015 được công nhận là Thành phố trực thuộc tỉnh. Các hoạt động chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đã tạo cho thành phố một diện mạo mới, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó nếp sống văn hóa được quan tâm thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.  

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, còn nhiều vấn đề về nếp sống chưa phù hợp với văn hóa – văn minh đô thị. Nguyên nhân chính là do một bộ phận dân cư chưa có ý thức cao về cộng đồng chung trong môi trường đô thị. Bên cạnh đó, việc quan tâm giải quyết các vấn đề văn hóa – văn minh đô thị của chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

Với mục tiêu xây dựng, nâng cao ý thức, thái độ ứng xử của cộng đồng dân cư thành phố với môi trường sống phù hợp với các chuẩn mực giá trị văn hóa dân tộc; phấn đấu đến năm 2020 việc thực hiện các quy tắc ứng xử về nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trở thành ý thức tự giác, việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống trong môi trường đô thị; xây dựng thành phố Bắc Kạn văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện; ngày 10 tháng 12 năm 2015 Đảng bộ thành phố Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động về xây dựng nếp sống văn  hóa – văn minh đô thị giai đoạn 2016-2020 với 3 nhiệm vụ trọng tâm:

 Một là xây dựng nếp sống cá nhân

Xây dựng, nâng cao ý thức của mỗi cá nhân về thái độ, hành vi, phép ứng xử với mọi người và với môi trường sống, hình thành thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng; có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa; tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường; ý thức đối với cộng đồng và các thành viên trong gia đình phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, văn hóa dân tộc.

Hai là xây dựng nếp sống gia đình

Xây dựng, gìn giữ, phát huy những yếu tố tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam. Đề cao trách nhiệm của từng gia đình đối với cộng đồng; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc phù hợp với cuộc sống hiện đại; bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội… đáp ứng yêu cầu hội nhập, văn minh, tiến bộ.

Ba là xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng

Xây dựng, hình thành thói quen của mỗi người về tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quy ước, hương ước của thôn, tổ và quy chế quản lý đô thị; các quy tắc về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ cảnh quan, môi trường; nếp ứng xử có văn hóa trong lao động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt lễ hội, hội họp và nơi công cộng; thực hiện văn hóa công sở đối với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các đơn vị từ thành phố đến cơ sở; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. 

Nét đẹp văn hóa – văn minh đô thị

Để thực hiện được 3 mục tiêu trên, Đảng bộ xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng, thường xuyên trong cộng đồng dân cư. Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan, trường học trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện nhằm tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi cấp trong xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trên địa bàn thành phố. Tích cực phát huy vai trò của cộng đồng xã hội thực hiện quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố, hương ước tộc họ, vai trò của người có uy tín để điều chỉnh các hành vi thiếu văn hóa trong đời sống cộng đồng. Xây dựng Quy ước thực hiện nếp sống văn hóa – văn minh đô thị chung cho thành phố, do nhân dân tham gia ý kiến xây dựng và cam kết tự giác thực hiện. Tổ chức các phong trào, các hoạt động thi đua xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, với phương châm xây và chống: Xây cái tốt, cái đẹp; chống cái xấu, cái lạc hậu. Lấy vận động, thuyết phục mọi người tự giác tham gia thực hiện là chính, tạo dư luận quần chúng rộng rãi ủng hộ cái tốt, cái tiến bộ phù hợp với nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, phê phán những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu…Ban hành Quy chế về quản lý đô thị trên địa bàn thành phố triển khai đến các hộ dân trên địa bàn. Tăng cường thực hiện pháp luật bằng việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý trật tự đô thị, góp phần hình thành thói quen sống có văn hóa, văn minh và ý thức tự giác của mỗi người. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng văn hóa công sở với phương châm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính; công bằng, minh bạch, khách quan, chính xác, kịp thời trong xử lý vi phạm để người dân tin tưởng vào các cấp chính quyền và tự giác thực hiện các quy định về trật tự đô thị. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ, như: Điện, đường, cấp nước, thoát nước; xử lý rác thải, nước thải, hệ thống thùng rác công cộng; thông tin liên lạc, trường học, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh; xây dựng các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí, xây dựng vườn hoa, trồng mới cây xanh… tạo không gian thông thoáng và các điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và thực hiện tốt hơn nếp sống văn minh đô thị.