Thành phố Bắc Kạn thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích phát triển, đặc biệt là kinh tế hợp tác, coi đây là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương, liên tục, xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước, từ đó có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.

Sản phẩm Trịnh Năng Curcumin; Trịnh Năng gừng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn đạt 4 sao

Trong những năm qua thực hiện chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 56-KL/BCT ngày 21/2/2013 của bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về củng cố đổi mới phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về xây dựng hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016-2020 và các Chỉ thị, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện của Thành ủy Bắc Kạn. Chi bộ Tài chính – Kinh tế đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo 02 cơ quan chuyên môn (Phòng Tài chính – Kế hoạch; phòng Kinh tế) tích cực tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, đồng thời tập trung vào công tác tuyên tuyền, định hướng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Sau 05 năm triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

          Về công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền qua các cuộc họp giao ban, qua các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo và phát trên loa truyền thanh, trên cổng thông tin điện tử; đăng tin, bài, ảnh tuyên dương và giới thiệu gương điển hình làm kinh tế giỏi, các hợp tác xã sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn. Ngoài ra, chi bộ tham mưu UBND thành phố tổ chức gặp mặt trực tiếp định kỳ 02 lần/năm với các tổ chức kinh tế để thông tin các chính sách của Đảng, nhà nước và tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua công tác tuyên truyền các tổ chức kinh tế đã tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn hỗ trợ theo chính sách của tỉnh Bắc Kạn như: Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh có 4 tổ chức kinh tế (HTX nông nghiệp Tân Thành; HTX Đại Thành, HTX Tân Dân; Trang trại chăn nuôi lợn của ông Hà Sỹ Phúc) được hỗ trợ với số tiền trên 2,313 tỷ đồng; có 08 HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực với số tiền là 3.090.000 đồng/HTX/tháng, hiện nay vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tốt; HTX Minh Anh phường Xuất Hóa được hỗ trợ thực hiện theo Đề án “phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền hỗ trợ là 430 triệu đồng; 02 HTX được hỗ trợ từ nguồn mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với số tiền là 110 triệu đồng; 06 HTX được vay vốn từ nguồn quỹ của Liên Minh HTX Việt Nam và Liên Minh HTX tỉnh Bắc Kạn, với số tiền 2,636 tỷ đồng; 01 HTX được vay  từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, với số tiền 200 triệu đồng; HTX nông nghiệp Đại Thành được hỗ trợ thuê đất sản xuất, với diện tích 10ha, thời gian thuê là 50 năm; 03 tổ hợp tác được hỗ trợ mô hình phát triển chăn nuôi gà, mô hình trồng thâm canh cây mơ vàng và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với số tiền trên 01 tỷ đồng…

Với các chính sách hỗ trợ ưu đãi trên, đã góp phần tạo động lực cho các HTX, tổ hợp tác phát triển. Nhờ vậy trong 05 năm qua, kinh tế hợp tác trên địa bàn thành phố bước đầu có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; từ chỗ chỉ có 08 hợp tác xã, đến nay toàn thành phố Bắc Kạn đã có 34 hợp tác xã, trong đó 25 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, bước đầu đã có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho người dân. Đáng chú ý một số hợp tác xã có cách làm bứt phá, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cụ thể như: HTX nông nghiệp Tân Thành, HTX Tân Dân và 06 HTX sản xuất theo mô hình công nghệ cao….Doanh thu bình quân của các HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các HTX từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động thường xuyên tại các HTX, tổ hợp tác và trên 70 lao động thời vụ.

Trong phát triển kinh tế tập thể, thành phố xác định phát triển kinh tế tập thể gắn với các sản phẩm OCOP, nên trong thời gian qua cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của các tổ chức kinh tế, năm 2018 và 2019 thành phố Bắc Kạn có 24 sản phẩm của 05 tổ chức kinh tế được hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 14 sản phẩm được chế biến, chiết xuất từ củ nghệ, 04 sản phẩm từ nấm, 03 sản phẩm chế biến từ quả chuối, 02 sản phẩm chế biến từ củ gừng  và 01 sản phẩm chế biến từ giảo cổ lam. Thông qua các hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp sạch Bắc Kạn được tổ chức trong và ngoài nước, các sản phẩm luôn được đánh giá cao, qua đó các đơn vị đã ký kết được một số hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đặc biệt là 07 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao (Vi-cumax Nano Curcumin; Trịnh Năng curcumin; Trịnh Năng gừng; tinh nghệ Bắc Kạn; Imusnano Curcumin; tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp Bắc Kạn; tinh bột nghệ nếp đen cao cấp Bắc Kạn). Ngoài tiêu thụ thị trường trong nước, đến nay có 15 sản phẩm của 03 tổ chức kinh tế (HTX nông nghiệp Tân Thành; Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn; Công ty TNHH nhà máy curcumin Bắc Hà) được ký kết hợp với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…và được thị trường các nước tin dùng. Trong năm 2020, Chi bộ tiếp tục tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, giúp đỡ 06 tổ chức kinh tế hoàn thiện  hồ sơ 27 sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm 2020.

   Đặng Tuyết  -Minh Cường