Thành phố Bắc Kạn tiếp tục nâng cao vai trò của kinh tế tập thể

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển KTTT, HTX (viết tắt là KTTT, HTX), nhưng để thúc đẩy phong trào HTX phát triển hơn nữa, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, người đứng đầu địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Bắc Kạn, từ năm 2016 trên địa bàn có 53 HTX. Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012, UBND thành phố đã ban hành Quyết định giải thể bắt buộc đối với 38 HTX không hoạt động liên tục trong 12 tháng và thành lập mới 28 HTX. Đến 04/11/2020, địa phương có tổng số 38 HTX (10 HTX phi nông nghiệp; 28 HTX nông nghiệp) hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Số thành viên HTX là 342 thành viên, tăng 170 thành viên so với cuối năm 2016. Số lao động làm việc tại các HTX 367 người (có cả lao động thời vụ), tăng 202 lao động so với thời điểm cuối năm 2016.

Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của các HTX hiện nay: 66.778 triệu đồng, trong đó tổng số vốn đăng ký mới trong giai đoạn: 53.073 triệu đồng. Doanh thu bình quân của HTX là 800 triệu đồng. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động tại HTX: 50 triệu đồng/năm.Tổng số cán bộ quản lý HTX là 109 người, trong đó số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 15 người; trình độ đại học, cao đẳng là 29 người; còn lại chưa có bằng cấp.

Giai đoạn 2016-2020 có 05 THT có chứng thực của địa phương hoạt động hiệu quả, trong đó có 02 THT phát triển thành HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, còn 03 THT với 28 thành viên, thu nhập bình quân của thành viên lao động tại THT là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Tân Thành (xã Nông Thượng) chủ động nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm

Hiện nay, kinh tế tập thể của thành phố  Bắc Kạn gồm lĩnh vực Nông-  lâm, ngư nghiệp và Thủy sản; lĩnh vực phi nông nghiệp. Cụ thể, có 28 HTX hoạt động trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp chiếm 73,7% tổng số HTX. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có chiều hướng phát triển, về mở rộng thị trường, tăng giá trị sản lượng hàng hóa, thu hút thêm thành viên mới, như:  HTX Minh Anh, HTX nông nghiệp Tân Thành, HTX Tân Dân, HTX Huyền Hân … Đa số các HTX đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, nhưng hầu hết các phương án còn sơ sài, đơn giản hoặc phương án xây dựng chưa sát thị trường và điều kiện thực tế của HTX. Chế độ kế toán và báo cáo tài chính đã được các HTX quan tâm thực hiện tuy nhiên chưa đầy đủ do hạn chế về trình độ; khoảng 40% HTX có trích lập các quỹ theo quy định.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp có 10 HTX chiếm 26,3%. Các HTX này hoạt động về vận tải, may màn rèm, giáo dục, gia công cơ khí, làm gạch, kinh doanh vật liệu xây dựng,…Các HTX hoạt động cơ bản ổn định, thu nhập của thành viên và người lao động khá cao (từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng).Đa số các HTX đã xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi.  chế độ kế toán và báo cáo tài chính năm của HTX: Theo đánh giá có khoảng 70% HTX là thực hiện tốt nội dung này. Có khoảng 68% HTX có trích lập các quỹ, số còn lại do hoạt động không hiệu quả, không có lợi nhuận nên việc trích lập quỹ không hiệu quả.

Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn mà nòng cốt là HTX đã có những chuyển biến tích cực. Các HTX đã có những bước phát triển. Công tác tổ chức, quản lý HTX từng bước được củng cố. Các HTX thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác giữa các cơ sở sản xuất với nhau thông qua các dịch vụ cho các hộ nông dân là thành viên và không phải là thành viên, HTX đã góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hư­ớng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày càng có hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, phân phối lợi nhuận công bằng, dân chủ, góp phần tăng tr­ưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho thành viên, ngư­ời lao động. Thông qua chương trình OCOP đã có 3 HTX sở hữu 09 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có tem, nhãn mác, bao bì bắt mắt,…

Mặc dù, đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng sự phát triển của khu vực KTTT, HTX vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã và các chính sách đối với HTX đôi khi chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Các THT hạn chế về vốn, tài sản; nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững, đặc biệt là thiếu khung pháp lý để hoạt động nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng với đối tác. THT chưa đủ sức hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong thụ hưởng các chính sách của Nhà nước… Nhận thức của các HTX về Luật HTX năm 2012 chưa đầy đủ, do vậy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị, điều hành của các HTX chưa tốt; một số HTX chưa thực hiện tốt công tác kế toán và chế độ báo cáo, chưa thực hiện việc trích lập các quỹ theo quy định,…Do chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng dẫn tới không đủ nguồn vốn hoạt động và mở mang sản xuất kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên phát triển.

Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có 48 HTX. Trong đó,  HTX hoạt động hiệu quả đạt từ 50% trở lên; giữ tỷ lệ HTX hoạt động kém hiệu quả dưới 10%; có 412 thành viên tham gia HTX; Doanh thu bình quân: 900 triệu đồng/HTX; Lợi nhuận bình quân HTX: 90 triệu đồng.Thu nhập bình quân thành viên HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 60 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp 72 triệu đồng/năm.Thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 48 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp 60 triệu đồng/năm.Cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học 34 người; trình độ sơ cấp, trung cấp 20 người. Hỗ trợ trên 50% các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước.

Thành phố Bắc Kạn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về KTTT; Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KTTT; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, xây dựng mô hình HTX hiệu quả; huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT. /.

Triệu Biển