Thành phố Bắc Kạn với phong trào xây dựng xã hội học tập

 

Sau một năm triển khai thí điểm Đề án 281 tại một xã và một phường. Đề án này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, các đoàn thể và trực tiếp là nhân dân. Vì vậy, từ 2016 – 2020, UBND thành phố Bắc Kạn đã chỉ đạo Hội khuyến học thành phố nhân rộng các mô hình ” Gia đình học tâp”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” sâu rộng trên toàn địa bàn. Từ đó, hướng đến xây dựng hiệu quả phong trào xã hội học tập ngay tại địa phương.

Bà Đoàn Thị Minh Thu, Chủ tịch Hội khuyến học thành phố Bắc Kạn trao giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng xã hội học tập năm 2020

Giai đoạn 2014 – 2015 là thời gian triển khai thực hiện thí điểm Đề án 281/ QĐ – TTg ngày 20/0/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Với mục tiêu chung đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình góp phần xây dựng xã hội học tập, Đề án 281 được thực hiện thí điểm tại hai phường Nguyễn Thị Minh Khai và phường Xuất Hóa. Tại hai phường trên, mỗi đơn vị lựa chọn 01 thôn/ tổ dân phố, 01 dòng họ và 03 gia đình làm thí điểm các mô hình để bình xét các danh hiệu học tập. Kết quả, tại hai phường Nguyễn Thị Minh Khai, Xuất Hóa có 6849/7884 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (tỷ lệ 86,87%), 07 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” (tỷ lệ 100%).Từ những kết quả khả quan trên, từ 2016 thành phố Bắc Kạn đã triển khai nhân rộng các  mô hình này trên toàn địa bàn 08 xã, phường.  Hội khuyến học thành phố triển khai các văn bản chỉ đạo kịp thời, quán triệt thực hiện quy trình và các tiêu chí đánh giá, xếp loại Gia đình học tâp”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” và cộng đồng học tập cấp xã theo Quyết định 448/ QĐ – KHVN của Hội khuyến học Việt Nam, Thông tư 44/2014/TT –BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.  Hội khuyến học cấp xã, phường chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, đăng ký, kiểm tra, đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập gắn kết các tiêu chí của “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Trong 5 năm thực hiện Đề án 281 đã tạo sự chuyển biến tích cực từ gia đình, thôn tổ, cộng đồng ngay tại địa phương. Từ chỗ các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào lớn như” Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,“ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…nhờ tích cực tự giác học tập, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thành phố Bắc Kạn chủ động dụng kiến thức trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể. Do đó, diện mạo đời sống, nhất là tỷ hộ khá, giàu từng bước nâng lên, hộ nghèo giảm theo từng năm. Kết quả, giai đoạn 2016 -2020 thành phố Bắc Kạn có 80% trở lên gia đình đăng ký được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”.

Thực hiện Đề án 281/ QD –TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, 117  thôn, tổ dân phố tại thành phố Bắc Kạn  tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa đáp ứng điều kiện cho nhân dân được sinh hoạt và học tập thường xuyên. Phong trào nhà nhà học tập, người người học tập đã được triển khai sôi nổi, rộng khắp, làm chuyển biến nhận thức mạnh mẽ về việc học tập suốt đời. Các trung tâm học tập cộng đồng được nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều dòng họ đã có hình thức khuyến học, khuyến tài năng động, sáng tạo.  Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong toàn tỉnh có nhiều giải pháp triển khai đồng bộ nhằm phát động trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, cán bộ, chiến sỹ LLVT hưởng ứng tham gia phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”… Cụ thể, thành phố Bắc Kạn có 50% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng dân cư (thôn, tổ dân phố) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp thuộc xã, phường quản lý đạt “Đơn vị học tập”; 100% xã, phường đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã từ loại khá trở lên. Trung bình hàng năm, tại lễ phát động hướng ứng học tập suốt đời, trung bình quỹ khuyến học thành phố nhận được từ 10 -20 triệu đồng kinh phí ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, tổ chức.

Qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó chủ tịch Hội khuyến học thành phố Bắc Kạn cho biết: “Thông qua đề án 281 đã tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập ngay tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác khuyến họ, khuyến tài. Đối với quỹ khuyến học thành phố, hàng năm đều thực hiện khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập. Hiện nay, tại thành phố Bắc Kạn Xuất Hóa là đơn vị duy trì tốt Trung tâm học tập cộng đồng, còn Nông Thượng là xã có đơn vị xây dựng hiệu quả mô hình gia đình học tập, …Tuy nhiên, do cán bộ phụ trách công tác khuyến học cấp chi, hội có sự biến động số lượng nên việc triển khai các danh hiệu học tập có lúc còn gặp khó khăn, chất lượng hoạt động chưa thực sự đạt mục tiêu đề ra, số quỹ khuyến học thu được còn khiêm tốn…”

Các xã, phường gồm Đức Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Sông Cầu, Nông Thượng …là những đơn vị có nhiều gương điển hình cá nhân, tập thể được cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương ghi nhận trong  phong trào lao động, sản xuất học tập như: gia đình làm kinh tế giỏi, dòng học học tập xuất sắc. ..minh chứng cụ thể về sự chuyển biến, tiến bộ rõ nét từ thành quả Đề án 281 đem lại.  Trong thời gian tới, thành phố Bắc Kạn chỉ đạo Hội khuyến học các cấp chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm, phối hợp triển khai Đề án 281, trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng, phát triển tổ chức Hội Khuyến học ngày càng vững mạnh; phát hiện và nhân các điển hình và nhân tố mới trong các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT…góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của người trong giáo dục, từng bước xây dựng địa phương trở thành xã hội học tập./.

 Triệu Biển