BBK – Sáng 15/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ tám theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm 2024 và giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới.
Theo báo cáo tại Phiên họp, thời gian qua, công tác CCHC tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp. Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Việc tổ chức thực hiện được triển khai từ Trung ương đến địa phương, hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; các bộ, ngành đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ; các địa phương đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ. Trong 6 tháng đã có 2.870 văn bản (các bộ: 305 văn bản; địa phương: 2.565 văn bản) được ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 nghị định, 8 nghị quyết (thông qua 11 đề nghị xây dựng luật, 17 dự án luật). Đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp đối với 108 TTHC.
Đến nay, cấp bộ đã giảm được 33 đơn vị sự nghiệp công lập, dự kiến trong năm 2024 giảm 72 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Các địa phương đã giảm 10 tổ chức cấp phòng thuộc UBND tỉnh và 8 tổ chức cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị cấp xã.
Cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thực hiện từ ngày 01/7/2024. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp.
Khung pháp lý phát triển Chính phủ số được tích cực hoàn thiện (đã ban hành 10 nghị định, 06 quyết định và 05 thông tư). Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được chú trọng triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh; triển khai Đề án 06 có hiệu quả.
Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu các bộ ngành, địa phương đã đánh giá chi tiết kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác CCHC thời gian qua. Các tham luận làm rõ những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tái cấu trúc quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cải cách thể chế ngân hàng; giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, Đề án 06; một số mô hình, cách làm hay tại các địa phương trên cả nước.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ “5 đẩy mạnh” CCHC thời gian tới, gồm: (1)Rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực cho phát triển; (2)đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, nhất là về TTHC; (3)cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (4)chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; (5)đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất những giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong Nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ CCHC đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị…/.