Năm 2022, một trong những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của TP. Bắc Kạn, đó là tạo việc làm mới cho lao động nông thôn. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ việc làm, nhiều người dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nghề trồng hoa giúp chị Đinh Thị Noa, thôn Phặc Tràng (xã Dương Quang) có việc làm, nâng cao thu nhập.
Trước đây, chị Đinh Thị Noa, ở thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang làm nông, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia mô hình trồng hoa do Phòng Kinh tế thành phố triển khai, chị đã tìm được cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Chị Noa chia sẻ: Năm 2021, TP. Bắc Kạn thực hiện mô hình trồng hoa ly, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Vụ hoa đầu tiên thu hoạch bán ra thị trường cho hiệu quả kinh tế cao, năm nay tôi dành gần 1.000m2 đất ruộng để mở rộng diện tích trồng các loại hoa phục vụ dịp lễ, Tết. Ngoài làm nông, giờ tôi có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng từ trồng hoa. Kinh tế gia đình cũng vững vàng hơn trước.
Tại lớp dạy nghề nấu ăn do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp tổ chức dựa trên nhu cầu đăng ký của người lao động, đã có hơn 50 người theo học vào mỗi buổi tối. Chị Bế Thị Thu Hằng, thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng cho biết: Gia đình tôi làm nghề nấu cỗ thuê, nhưng kiến thức nấu ăn của tôi còn hạn chế, do vậy dịch vụ kinh doanh chưa thu hút nhiều khách hàng. Tham gia lớp học nghề tôi được học cách chế biến, bày trí các món ăn truyền thống và một số món ăn của từng vùng khác nhau. Đây là kiến thức bổ ích giúp tôi nâng cao tay nghề, sau lớp đào tạo này tôi sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng học được phục vụ tốt hơn công việc kinh doanh của gia đình.
Trên địa bàn TP. Bắc Kạn hiện có 31.149 người trong độ tuổi lao động. Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Thời gian qua, TP. Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Trong năm 2022, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn việc làm cho hơn 1.800 người lao động. Tận dụng lợi thế là trung tâm của tỉnh, thành phố dựa trên thế mạnh của từng khu vực để định hướng nghề nghiệp phù hợp cho lao động. Trong đó, 04 phường trung tâm (Sông Cầu, Phùng Chí Kiên, Đức Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai) khuyến khích phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ; các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng và xã Nông Thượng, Dương Quang phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh để thu hút thêm nhiều lao động. Với 520 HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã tạo việc làm tại chỗ cho 10.907 lao động địa phương. UBND thành phố cũng chỉ đạo các phòng, ban liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục pháp lý cho những lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, với 43 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm cũng đã góp phần tăng thu nhập bình quân. Thành phố cũng thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay đã tạo công ăn việc làm cho 1.164 lượt người với tổng dư nợ 58,2 tỷ đồng. Cùng với đó, với số tiền trên 20 tỷ đồng huy động các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế – xã hội có hiệu quả, thu hút lao động như: Dự án liên kết chăn nuôi lợn, trâu vỗ béo, trồng nấm, trồng nghệ… Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động theo nhu cầu đăng ký ngày càng được chú trọng. Năm 2022, thành phố đã mở được 10 lớp đào tạo cho hơn 300 lao động nông thôn. Phần lớn các lao động sau khi được đào tạo đã áp dụng kiến thức, kỹ năng vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ.
Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2022 thành phố đã tạo việc làm mới cho 570 lao động, đạt 114% kế hoạch, nâng tổng số người có việc làm ổn định lên hơn 24.000 người. Mục tiêu năm 2023, TP. Bắc Kạn phấn đấu có thêm 500 lao động có việc làm mới. Để đạt mục tiêu này, thành phố đưa ra các giải pháp thực hiện thời gian tới như: Huy động nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức đào tạo nghề, phổ cập nghề cho lao động; hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp; định hướng nghề nghiệp và việc làm cho người lao động, chú trọng cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm; tiếp tục thực hiện tốt việc đối thoại với các doanh nghiệp và công ty để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững…/.
Hoàng Thạc