Với việc áp dụng quy trình chăn nuôi giữa truyền thống và hiện đại, mô hình gà sạch của anh Nguyễn Tùng Dương, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đang góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên địa phương.
Mô hình nuôi gà sạch của anh Nguyễn Tùng Dương, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang
Tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Nguyễn Tùng Dương đã bôn ba nhiều nơi, tìm kiếm công việc phù hợp nhưng thu nhập bấp bênh. Nhận thấy tại các nhà hàng, quán ăn lượng gà tiêu thụ rất mạnh song xuất xứ gà nuôi ở đâu, có đảm bảo chất lượng hay không thì người tiêu dùng hoàn toàn không nắm rõ. Trước nhu cầu thực tế thị trường vẫn đang cần số lượng gà thương phẩm có chất lượng thịt ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, anh Dương quyết định chọn giống gà lai ri nuôi với quy mô lớn. Gà giống được anh mua tại trại gà uy tín ở Hà Nội. Chậm nhưng chắc, anh Dương luôn đảm bảo quy trình chăn nuôi từ giống, thức ăn, phòng bệnh, xử lý môi trường… thức ăn của gà chủ yếu là chuối thái nhỏ trộn với cám ngô và thóc. Anh Nguyễn Tùng Dương, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn nói: “Tất cả kỹ thuật đều học ở trường Đại học, nhưng bắt đầu đi làm gần như phải học lại từ đầu mới có thể nắm bắt được quy trình chăm sóc con gà. Có thể học hỏi từ người đi trước, có thể tìm tòi qua mạng. Ngày trước chăm sóc con gà rất là nhỏ lẻ thôi nhưng bây giờ chăm sóc có quy trình hơn giúp cho đàn gà phát triển, quy mô lớn hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.”
Trang trại rộng hơn 2.000 m2 với trên 1.000 con gà được anh Dương và gia đình chia làm nhiều khu khác nhau để tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Anh sử dụng chế phẩm sinh học, rắc lên chuồng để khử mùi hôi cũng như vi khuẩn gây bệnh cho gà. Chị Hà Thị Bưởi, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Từ duy chăn nuôi của lớp trẻ bây giờ rất khác ngày xưa. Trước kia chỉ chăn nuôi theo cách truyền thống, không biết phòng, chống hay áp dụng KHKT gì cả nên đưa ra sản phẩm hay bị thiếu hụt, n vậtco bị chết. Bây giờ, lớp trẻ tư duy hơn, áp dụng KHKT, mạnh dạn đưa ra thị trường sản phẩm sạch. Sử dụng những nguyên liệu sẵn có để đưa ra thị trường những sản phẩm sạch….”
Trên con đường lập thân, lập nghiệp anh Dương cũng như nhiều thanh niên địa phương gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm cũng như vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Song việc áp dụng chuyển đổi số trong quá trình tìm kiếm thị trường đang mở ra hướng phát triển mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi gà sạch của anh Dương đang lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Điều này góp phần không nhỏ vào thực hiện tiêu chí thu nhập trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Dương Quang trong thời gian tới./.
Hoàng Thạc