Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ có vị trí tối quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Vì thế, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em. Gia đình còn là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách…
Hạnh phúc gia đình có từ chính bản thân mỗi thành viên. Quan hệ tình cảm trong gia đình dù một thế hệ, hai thế hệ hay ba thế hệ cũng do cách sống của từng gia đình. Nếu ông bà, bố mẹ mẫu mực, con cháu sẽ mẫu mực. Mỗi gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai chất lượng cao..
Xã hội chuyển động ngày một nhanh hơn, các “tế bào” của xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới bên ngoài, đặc biệt là từ thế giới internet, chịu tác động bởi nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường nên văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Vì thế, để tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai, phải bắt đầu giáo dục con trẻ trong gia đình – trước khi những mầm non ấy đặt chân tới trường và tiếp xúc với môi trường xã hội. Đó được xem là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nhân cách của một con người, một thế hệ.
Trong giai đoạn hiện nay, để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể./.