Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã giúp nhiều hộ nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại địa phương.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn được thành lập ngày 04/10/2002 theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng ưu dãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận. Ông Hoàng Đình Nhuận, Phó Giám đốc Ngân Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Với mục tiêu hoạt động đó, Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những công cụ kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đối sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu – nước mạnh, xã hội – công bằng – dân chủ – văn minh.”
Thực hiện văn bản liên tịch giữa Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn với Hội Nông dân thành phố, đến thời điểm hiện nay, Hội nông dân quản lý 35 tổ Tiết kiệm và vay vốn tại 08/08 xã, phường trên địa bàn, dư nợ đạt 57.748 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 25,03%/tổng dư nợ uỷ thác, với 9 chương trình tín dụng được triển khai cho 937 hộ vay vốn. Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao; thường xuyên tổ chức đối chiếu, phân tích nợ, chủ động theo dõi, nắm bắt và xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro theo quy định; chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ, quan tâm đến chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch các xã, hoạt động của tổ TK&VV; chỉ đạo quyết liệt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 30/4/2023, tổng nợ quá hạn là 21 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ của Hội Nông dân thành phố quản lý. Công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của TK&VV được Ngân hàng và các cấp hội đặc biệt quan tâm, các tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý đều xếp loại tốt, khá, không có tổ TK&VV xếp loại yếu, kém.
Để có được kết quả trên, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ thị số 14/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn và Kế hoạch số 177/KH-UBND của UBND tỉnh, về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến và thông tin kịp thời các chính sách mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến cán bộ Hội Nông dân các cấp, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hàng năm phối hợp thực hiện tốt công tác tập huấn, đặc biệt cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hướng dẫn cán bộ hội, tổ trưởng Tổ TK&VV theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại điểm giao dịch xã qua đó triển khai kịp thời các chính sách tín dụng mới.
Ngân hàng và Hội Nông dân thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; thực hiện tốt công tác bình xét cho vay; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV; chỉ đạo các Tổ TK&VV sinh hoạt định kỳ đều đặn; phối hợp tổ chức các Hội thi, các lớp tập huấn; kết hợp giải ngân vốn vay ưu đãi với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tư vấn, dịch vụ, hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, giúp hộ vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân thực sự là cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hộ nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua tổ chức Hội, việc vay vốn ưu đãi của các hộ nông dân được thuận lợi, thủ tục đơn giản nhanh gọn giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Qua việc nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ nông dân ngày càng gắn bó với Hội, tích cực tham gia các chương trình do Hội phát động. Những kết quả của Hội Nông dân các cấp trong hoạt động nhận ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm qua được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, đã từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của thành phố.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng nghìn hộ nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giúp các gia đình có tiền trang trải chi phí cho con em đi học tại các trường chuyện nghiệp, sau khi ra trường có việc làm ổn định.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Hội Nông dân các cấp làm tốt hơn nữa công tác ủy thác cho vay vốn, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên nông dân thành phố phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu tại địa phương./.
Triệu Biển