Xây dựng gia trại giải quyết bài toán việc làm mùa dịch

Dịch Covid -19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống khiến rất nhiều lao động bị mất việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên. Không nằm ngoại lệ, nhiều hộ dân tại tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng (TP.Bắc Kạn) đã xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại để giải quyết việc làm trước mắt trong mùa dịch.

Nhìn cảnh hai con mất việc làm vì dịch Covid 19, ông Vũ Gia Tuân, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn quyết định thuê đất, mua gần chục con trâu về vỗ béo. Tận dụng lợi thế đất rộng, bằng phẳng trồng cỏ voi, cùng với vốn kinh nghiệm qua học hỏi bạn bè, internet, đài, báo..về cách chăm sóc, vỗ béo trâu, hai cha con ông Tuân đang dần hoàn thiện gia trại rộng khoảng 1,4 ha. Ông Tuân chia sẻ: “Bố con tôi tập trung chăn nuôi để giải quyết việc làm tại chỗ, vừa có thêm thu nhập. Gia trại mà hoàn thiện thì sẽ được khoảng 20 con, 10 con vỗ béo và 10 con sinh sản. Trước mắt chúng tôi phải làm từng bước một, bắt đầu học hỏi anh em đã làm rồi và bạn bè ở các tỉnh lân cận để xem mô hình nào cho thu nhập tốt nhất, gia đình sẽ làm theo”.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình ông Vũ Gia Tuân, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn

Chị Lý Thị Thơ, tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn cho biết: Trước đây, chị làm công nhân cho một Công ty của Hàn Quốc, tại thành phố Bắc Kạn. Khi đại dịch Covid 19 bùng phát, việc làm bấp bênh, chị quyết định ở nhà làm nông nghiệp. Được tổ trưởng vận động xây dựng gia trại chăn nuôi trâu vỗ béo, chị đã quyết định làm theo. Hơn 02 ha diện tích đất đồi, đất soi bãi quanh nhà chị đã đầu tư trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho trâu. Chị Thơ đang đặt mua thêm trâu vỗ béo và trâu cái sinh sản để nhân đàn. Đàn trâu của gia đình trước khi mang về nuôi đã được đảm bảo tiêm phòng các loại bệnh. Chị Thơ nói:“Dịch bệnh chẳng đi làm được đều, cũng xác định nghỉ ở công ty về nhà làm, thuê thêm người hỗ trợ và nhập thêm trâu các mối liên kết ở Chợ Mới, Na Rỳ về nuôi.

Nói về việc chăn nuôi trâu vỗ béo tại địa phương, ông Lưu Văn Đoan, Tổ trưởng tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Qua xem trên ti vi cách người ta chăn nuôi nhốt trâu tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, tôi cũng định hướng, tuyên truyền cho bà con, nhà nào có điều kiện về đất lại, lao động, đang thiếu việc làm, mua từ 01 -02 con trâu về nuôi tạm thời, hết dịch thì đi làm lại. Hiện tại, bà con đều nhất trí, ủng hộ. Bà con đều tận dụng đất soi bãi, đất đồi trồng cỏ, nhà nào không nuôi chăn nuôi thì bán cỏ cho những hộ có trâu, bò, người ta đã có hướng mua rồi”.

Tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng ( Tp. Bắc Kạn) hiện có 16 hộ dân với 24 nhân khẩu. Sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công tại tổ, đa số các lao động đi làm thuê ở một số tỉnh ngoài thành phố Bắc Kạn. Hầu hết, các hộ gia đình đều có lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Hiện tại, các hộ dân trong tổ chủ động hỗ trợ, vận động nhau tạo việc làm ngay tại hộ gia đình. Việc xây dựng gia trại chăn nuôi trâu vỗ béo, giúp giải quyết bài toán về việc làm trước mắt, cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới để nhiều lao động trẻ địa phương vươn lên có thu nhập ổn định trên đồng đất quê hương./.

Hoàng Thạc