LÀM GIÀU BỀN VỮNG TỪ RỪNG

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “rừng là vàng, biển là bạc”, ông Lý Kim Báo, một người đảng viên gương mẫu, một bí thư chi bộ tận tụy của tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn đang có thu nhập ổn định từ vườn rừng. Gia đình hiện có 05 héc ta Quế trồng từ 3 – 8 năm; có 03 hecta cây Mỡ đang thu hoạch; 02 hecta Keo đang phát triển tốt. Thu nhập của gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước.Trung bình thu nhập 40 triệu đồng/khẩu/năm. Ông Báo chia sẻ thêm: “Cây quế 03 năm tuổi đã có thể cho khai thác khoảng 80.000đ/cây; còn Quế đã trồng từ 20 năm trở lên, khai thác đạt khoảng 01 triệu đồng/cây. Với diện tích 01 hecta Quế đạt giá trị kinh tế hơn 01 tỷ đồng”.

Từ lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng phát triển cây lâm nghiệp, hàng năm trong tổ đều có hộ đăng ký trồng rừng. Bà con nơi đây chỉ tập trung trồng các cây gỗ lớn như Mỡ, Quế, Keo…. Hiện nay, khoảng 20 hecta cây trồng các loại đang phát triển tốt, trong tổ không còn đất trống, đồi trọc. Tổng diện tích tự nhiên của tổ Tân Cư hơn 500hecta thì diện tích rừng trồng đạt hơn 200 hecta. Số ít còn lại là đất ở và đất trồng lúa, rau màu để đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ tích cực trao đổi kinh nghiệm chăm sóc rừng trồng đó là tiến hành khai thác xong lại trồng mới hoặc khai thác tỉa rồi chăm sóc đợt mầm mới. Tân Cư là tổ đi đầu trong phát triển kinh tế rừng.

Ông Ma Quốc Doanh, Chi hội trưởng nông dân tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn cho biết: “Hội viên nông dân của tổ Tân Cư chủ yếu là trồng rừng, do đó chi hội đã xin ý kiến, bàn với Chi bộ, phấn đấu trong năm 2019 thành lập Chi hội nghề nghiệp tại tổ. Đồng thời,với khoảng10 hecta rừng ót của tổ, chi hội sẽ đảm nhận vận động hội viên nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm các loại giống cây trồng phù hợp đạt giá trị kinh tế”.

Thống kê qua các năm của tổ Tân Cư cho thấy, nguồn thu nhập từ rừng của người dân là rất lớn. trung bình mỗi năm tổ khai thác khoảng 30 hecta cây trồng các loại, trung bình đạt mốc hơn 100-200 triệu đồng/hộ/năm. Từ một bản định cư của người dân tộc Dao quanh năm đói nghèo, cơm không đủ ăn, đến nay cả tổ có 87 hộ dân với 375 nhân khẩu, trong đó chỉ còn 02 hộ nghèo, 03 hộ cận nghèo. Nếu thời điểm trước đây mới định canh, định cư bình quân thu nhập chỉ đạt 02 triệu đồng/ người/ năm thì đến năm 2018 bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/ năm. Trong nhà mỗi hộ thường có 2 – 3 xe máy. Có 06 hộ mua được ô tô tải để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho bà con.

Anh Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội nông dân phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn  cho biết: “Tân cư là tổ đi đầu và phát triển mạnh về cây lâm nghiệp, hiện tại hội vẫn tiếp tục vận động hội vien duy trì. Trong thời gian tới, Hội nông dân phường tiếp tục tuyên truyền và định hướng cho các chi hội nông dân trên địa bàn phường học hỏi mô hình của Tân Cư để sử dụng đất và khai thác tiềm năng đất, nhất là đất ót mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân”.

Dựa vào chính sức lao động của mình đồng bào Dao Tân Cư đã thoát nghèo bền vững. Nhìn những vạt  rừng xanh biếc ngút tầm mắt, ông Báo cùng như nhiều hộ dân nơi đây hy vọng sẽ sớm mở được tuyến đường lâm nghiệp vào khu kinh tế này để việc khai thác, chăm sóc cây rừng ngày càng thuận lợi hơn, mở ra cơ hội mới cho người trồng rừng./.