Điều kiện tự nhiên thành phố Bắc Kạn
Vị trí địa lý: Thành phố Bắc Kạn nằm trong giới hạn tọa độ địa lý 2208’5” đến 2209’23”vĩ độ Bắc từ 105049’30”đến 105051’15”kinh độ Đông.
+ Phía Bắc: giáp xã Cẩm Giàng, Hà Vị – huyện Bạch Thông.
+ Phía Nam giáp xã Thanh Vân, Hoà Mục – huyện Chợ Mới.
+ Phía Đông giáp xã Mỹ Thanh – huyện Bạch Thông.
+ Phía Tây giáp xã Quang Thuận, Đôn Phong – huyện Bạch Thông.
Thành phố Bắc Kạn cách Hà Nội hơn 160km, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua, nối liền với Cao Bằng và Thái Nguyên, nhánh quốc lộ 3B nối liền với Lạng Sơn và Quốc lộ 279 nối liền với tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lạng Sơn.
Địa hình:
Thành phố Bắc Kạn là thung lũng lòng chảo nằm theo hai bờ sông Cầu xung quanh đều có các dãy núi bao bọc, hướng dốc từ Tây sang Đông. Độ cao trung bình từ 150 đến 200m. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh núi Khau Nang (xã Dương Quang) cao 746m, Nặm Dất (xã Xuất Hóa) cao 728m. Nhìn chung địa hình tự nhiên thành phố Bắc Kạn bao gồm:
– Địa hình núi đá vôi tập trung ở phía Nam xã Xuất Hóa, có địa hình phức tạp.
– Địa hình vùng núi đất phân bố hầu hết ở các xã, phường, độ cao từ 150m đến 160m so với mực nước biển. Thành phần đá mẹ chủ yếu là sa kết, bột kết, sét kết, rải rác có khu vực thành phần đá mẹ có nguồn gốc Mác ma hoặc biến chất.
– Địa hình thung lũng: Hầu hết các phường nội thành, là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng.
Khí hậu:
Thành phố Bắc Kạn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền núi phía Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt đới cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) giá lạnh, nhiệt độ không khí thấp, trời khô hanh, có sương muối; mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9), nóng ẩm mưa nhiều.
Thủy văn:
Thành phố Bắc Kạn chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Cầu (Sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Kạn dài 100 km và qua địa phận thành phố Bắc Kạn dài khoảng 20km, chiều rộng trung bình 40m) và các suối chảy qua địa bàn Thành phố như suối Nặm Cắt, suối Nông Thượng, suối Pá Danh, suối Xuất Hóa. Sông suối có độ dốc bị bồi lắng do đất đá ở thượng nguồn trôi về làm cho dòng chảy của sông, suối bị thu hẹp lại, mùa mưa gây úng ngập ở hai bên bờ sông, suối.