BÁC HỒ VÀ MỐI QUAN HỆ VIỆT – LÀO

Sau khi Hiệp nghị Giơnevơ 1961-1962 về Lào được ký kết, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta, Nhà vua Lào Xri Xavang Vátthana, Hoàng thân, Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp Lào Xuvana Phuma và các vị trong Chính phủ Lào sang thăm hữu nghị nước ta từ ngày 10 đến 13 tháng 3 năm 1963.

Công việc chuẩn bị gấp rút. Từ đề án chính trị, dự thảo diễn văn, nội dung hội đàm, tuyên bố chung đến chương trình đón tiếp, nơi ăn ở của đoàn, chiêu đãi, mít tinh quần chúng, thăm quan, biểu diễn văn nghệ…, Bác đều căn dặn phải chuẩn bị thật chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ, thể hiện cho được tình cảm láng giềng anh em giữa hai dân tộc Việt – Lào. Chúng tôi hết sức lo lắng, làm việc không quản ngày đêm. Tuy nhiên, lúc bấy giờ số đông anh em chúng tôi nghĩ: Đây là cuộc đi thăm của Nhà vua, Hoàng tử và Hoàng thân Thủ tướng, đa số thành viên trong đoàn thuộc phái trung lập và phái hữu Viêng Chăn, cho nên chúng tôi dùng lối văn xã giao, chú trọng thể hiện lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Lào. Mặc dù cố gắng làm theo lời Bác dặn nhưng vẫn không thể hiện nổi tình cảm láng giềng anh em Việt – Lào.

Hơn ba mươi lăm năm đã trôi qua, nhưng chúng tôi nhớ mãi những chỗ Bác chữa và những đoạn Bác thêm. Ngay từ đầu, trong dự thảo thư Bác mời Nhà vua sang thăm, chúng tôi đã viết: “Kính thưa Quốc vương Xri Xavang Vátthana, nước Lào…”. Bác đã tự tay chữa lại:“Kính thưa Nhà vua Xri Xavang Vátthana, nước Lào…”. Thông qua đồng chí Vũ Kỳ, Bác giải thích: “Dùng Tiếng Việt như thế, vừa rõ ràng vừa dễ hiểu”.

Về nội dung các văn kiện, Bác rất nhấn mạnh tình cảm “tình nghĩa láng giềng anh em Việt – Lào thắm thiết không bao giờ phai nhạt”… “Thay mặt nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi xin nhiệt liệt chào mừng Vua Xri Xavang Vátthana đã tới thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.” Trong chiêu đãi, hội đàm hay thăm trường Đại học Bách khoa, Nhà máy cơ khí Hà Nội, chùa Quán Sứ, dự mít tinh quần chúng, lúc đón và lúc tiễn đoàn cũng vậy, Bác đều nói đến “tình nghĩa anh em Việt – Lào”.

Tại Trường Đại học Bách khoa, Bác nhắc nhở sinh viên cố gắng học tập,trau dồi đạo đức cách mạng, để góp phần vào việc giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt – Lào”. Tại Nhà máy cơ khí Hà Nội, Bác cũng dặn công nhân đoàn kết giúp đỡ công nhân và nhân dân Lào anh em.

Điều mà chúng tôi không bao giờ quên là những câu thơ Bác ứng khẩu trong lễ đón:

“Bấy lâu cách trở quan hà

Từ nay Lào – Việt rất là gần nhau”.

Và trong lễ tiễn:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt – Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

 Nguồn: Bộ Ngoại giao Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao, Bác Hồ và hoạt động ngoại giao, một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.