Đoàn đại biểu thành phố Bắc Kạn viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022) thành phố Bắc Kạn vừa tổ chức Đoàn cán bộ, người có công, thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị, cùng các “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố thắp những nén hương thơm lên phần mộ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn để bày tỏ lòng biết ơn

Vượt qua chặng đường hơn 800 km để đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trong cái nắng cháy da, cháy thịt của dải đất miền Trung nhưng ai nấy đều hăng hái. Tại đây, Đoàn cán bộ, người có công, thân nhân liệt sĩ thành phố Bắc Kạn dâng hương tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ, nơi yên nghỉ của các liệt sỹ quê ở tỉnh Bắc Thái, nay là hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên. Nghĩa trang Trường Sơn là nơi yên nghỉ của gần 10.300 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong đó, có hàng trăm liệt sĩ quê ở tỉnh Bắc Thái trước đây.

Tiếp đó, Đoàn đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn công tác thắp những nén hương thơm lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn

Không khí ở Nghĩa trang linh thiêng và trầm lặng, mọi người đều trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào. Với những người đã trực tiếp chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, bị nhiễm chất độc hóa học như ông Nguyễn Trung Thực, trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, mỗi lần được trở lại thăm đường Trường Sơn huyền thoại, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, ông không cầm được nước mắt. Người lính già vừa nói, vừa lấy tay dụi dụi đôi mắt đã đỏ hoe: Bản thân tôi là một cựu chiến binh  đã được đến đây thắp hương cho các đồng đội nhiều lần. Tôi đến với nghĩa trang với cả tấm lòng tri ân với những đồng đội đã hy sinh. Hiện nay, tôi thấy nghĩa trang được tu sửa, sạch, đẹp, các phần mộ liệt sĩ đều có hương hoa, chăm sóc cẩn thận, chúng tôi cảm thấy yên lòng.  Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để nơi an nghỉ của các liệt sĩ trở thành “địa chỉ đỏ” để  mọi người được tới dâng hương, hoa ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Là những người đồng đội của các đồng chí, chúng tôi xin hứa sẽ giữ vững lời thề của người bộ đội cụ Hồ, phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp hơn ”.

Cũng như ông Thực, ông Trần Quang Lưu ở phường Nguyễn Thị Minh Khai lặng người trước phần mộ của các liệt sỹ cùng quê đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Trường Sơn. Ông Lưu chia sẻ: Đồng đội của chúng tôi chiến đấu và hy sinh thật anh dũng, sự hy sinh ấy góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tôi xin được cảm ơn Đảng, chính quyền, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã tạo điều kiện cho đoàn người có công, thân nhân liệt sĩ đi thăm lại chiến trường xưa và viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau 47 năm trở lại mảnh đất Quảng Trị, tôi thấy nếu như trước đây Quảng Trị chỉ có nắng, gió Lào, cát trắng thì nay nơi đây đã trở nên giàu đẹp hơn. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các gia đình chính sách. Là những người đồng đội của các anh hùng liệt sĩ, bản thân may mắn có cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay, chúng tôi xin hứa luôn luôn sống và làm việc theo pháp luật, không phụ lòng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.

Là những người trẻ được sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, anh Ngọc Văn Hùy trú tại xã Nông Thượng, không được trực tiếp chứng kiến các trận đánh ác liệt, nỗi đau mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có người chú của mình là liệt sĩ Ngọc Văn Hành. Hôm nay, bản thân anh có dịp tới thăm những nơi ghi lại chứng tích đau thương mà rất đỗi hào hùng như thế này, anh càng thấm thía hơn về cái giá của độc lập, hòa bình. Anh Hùy bày tỏ: Đây là lần thứ 2 tôi đến thăm viếng các anh hùng liệt sĩ và cảm thấy rất xúc động, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước, cho các thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình. Để tri ân công ơn to lớn ấy, tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quê hương.” 

Trong “hành trình đỏ” lần này, Đoàn cán bộ, người có công thành phố Bắc Kạn còn đến đặt vòng hoa, viếng tại Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị và một số nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng trị. Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho mỗi người. Điều cảm nhận chung đó là đất nước hôm nay đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trong đó có quê hương thành phố Bắc Kạn anh hùng cũng đang chuyển mình hướng tới đô thị loại II. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo đời sống của các gia đình chính sách. Đó là đạo lý cao cả của dân tộc, là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất để xứng đáng với công lao trời biển của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh. Vì thế, đây là chuyến đi tìm về quá khứ để cùng nhau thắp sáng tương lai./.

 Hoàng Thạc