Hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội tại thành phố Bắc Kạn

Trong 20 năm thực hiện nhiệm vụ, Hội sở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn trên địa bàn thành phố luôn nhận đư­­­ợc sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo anh sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định an ninh chính trị, hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.

Trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Mô hình tổ chức của NHCSXH hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố và bộ máy điều hành tác nghiệp là các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Khi mới thành lập, nhân sự của Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố có 10 đồng chí, đến nay đã được bổ sung, kiện toàn gồm 18 đồng chí, Trưởng Ban là đồng chí Chủ tịch UBND thành phố. Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố có 80 lần củng cố, kiện toàn, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn khi có sự thay đổi về nhân sự, đã tập trung chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 1423/VPCP-KTTH ngày 01/3/2015, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố bổ sung 08 thành viên là Chủ tịch UBND các xã, phường, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc tổ chức chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở, từ đó chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm cả về số tuyệt đối và số tương đối.

Điểm giao dịch tại phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, gửi tiết kiệm hàng tháng.

NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức điều hành quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đồng thời quan tâm, xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Luôn đồng hành với hộ nghèo và gia đình chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn không chỉ thực hiện tốt trọng trách được Đảng, Chính phủ giao phó cho vay đúng, vay đủ, cùng với đó còn làm tốt việc tham mưu cho Thành ủy- HĐND-UBND thành phố Bắc Kạn lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cơ quan, các tổ chức chính trị – xã hội, cấp ủy, chính quyền các xã, phường cùng tham gia vào cuộc. Qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm gắn kết các chính sách tín dụng ưu đãi với thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội tại địa phương.

Tính đến 30/5/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tại địa bàn thành phố đạt 191.478 triệu đồng, tăng 170.970 triệu đồng (gấp 9,336 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Trong đó, Nguồn vốn được cân đối từ Trung ương là 182.392 triệu đồng, tăng 161.884. triệu đồng (gấp 8,8 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 89,13% trên tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường được Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất là 18.457 triệu đồng, tăng 100% so với thời điểm mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 9,6% trên tổng nguồn vốn. Nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH là 2.438 triệu đồng, tăng 2.438 triệu đồng so với thời điểm mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 1,27% trên tổng nguồn vốn.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị – xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại 117 Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị – xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhận ủy thác cấp xã, phường, tổ trưởng, trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại 08 Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch, kịp thời. Đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị – xã hội của NHCSXH là 187.043 triệu đồng, với 3.541 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 98,83% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn thành phố không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH, đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND thành phố đã cân đối ngân sách chuyển 2.100 triệu đồng sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi .

Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 11.718 triệu đồng. Trong 20 năm trên địa bàn thành phố đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 13 chương trình đang còn dư nợ với tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 189.247 triệu đồng với 4.033 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH là 182.616 triệu đồng với 3.880 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH là 2.208 triệu đồng với 50 khách hàng đang vay vốn.

Một số hộ vay điển hình như hộ chị Cao Thị Bông, tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình nhiều khó khăn.  Thời điểm năm 2017, chị  Bông chỉ dám vay 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Đến năm 2021, gia đình đỡ khó khăn hơn chị mạnh dạn xin vay 100 triệu đồng để chăn nuôi bò, lợn nái sinh sản. Mô hình đang phát huy hiệu quả. Hiện nay, gia đình chị có 1.000m2 trồng cỏ voi, 03 con bò đang trong thời kỳ sinh sản, trên 50 con lợn nái, lợn thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập gia đình đã tăng lên. Hộ bà Nguyễn Thị Thùy Dung, tổ 1, phường Sông Cầu với mô hình thực hiện sản xuất chế biến chuỗi sản phẩm nông sản của Bắc Kạn với 02 lao động, số tiền vay vốn từ chương trình hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm 200 triệu đồng để đầu tư máy sấy bí thơm Ba Bể và gian hàng bán, trưng bày sản phẩm. Với mô hình này, gia đình bà đã có mức thu nhập khá trên địa bàn phường. Hộ bà Đàm Thị Duyên, tổ 4, phường Đức Xuân, hai vợ chồng đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH với số tiền 150 triệu đồng đầu tư mở cửa hàng ăn. Gia đình chị hàng tháng đều chấp hành việc trả lãi và gửi tiền tiết kiệm tổ viên để tích lũy, tăng thu nhập cho gia đình.

Gia đình chị Bùi Thị Ngoan, tổ 10, phường Phùng Chí Kiên được tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn làm nhà ở.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố. Từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới, NHCSXN tỉnh tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Thành phố trong từng giai đoạn; phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn./.

Triệu Biển