Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác  

Chiều ngày 13/7/2022, UBND thành phố Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Dự có các đồng chí: Cù Ngọc Cường- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Hà Sỹ Côn- Giám đốc NHCSXH tỉnh -Chi nhánh Bắc Kạn; Dương Hữu Bường- Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Bắc Kạn.

Toàn cảnh hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị – xã hội của NHCSXH là 187 tỷ 043 triệu đồng, với 3.541 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 98,83%  trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố quản lý 76 tỷ 716 triệu đồng với 1.445 khách hàng đang vay vốn tại 51 Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), chiếm tỷ trọng 41,02% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân thành phố quản lý 45 tỷ 677 triệu đồng với 866 khách hàng đang vay vốn tại 35 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 24,42% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Cựu chiến binh thành phố quản lý 31 tỷ 429 triệu đồng với 619 khách hàng đang vay vốn tại 28 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 16,8% trên dư nợ ủy thác cho vay; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý 33 tỷ 221 triệu đồng với 611 khách hàng đang vay vốn tại 23 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 17,76% trên dư nợ ủy thác cho vay.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị – xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị – xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công. Chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách; hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các tổ chức chính trị – xã hội được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Đến 30/6/2022, toàn địa bàn thành phố có 137 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 117 thôn, tổ dân phố, trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác với tổng số 3.604 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 26 thành viên. Qua kết quả rà soát, phân loại Tổ TK&VV, toàn thành phố có 113 Tổ TK&VV xếp loại Tốt (tỷ lệ 82,48%), 19 Tổ TK&VV xếp loại khá (tỷ lệ 13,87%); 05 Tổ TK&VV xếp loại trung bình (tỷ lệ 3,65%). Trong 20 năm qua Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 12. 258 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 5.500 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 8 nghìn lao động, giúp cho 3.988 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 5.126 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 123 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đời sống của người dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách càng thể hiện rõ nét hơn vai trò và tầm quan trọng của mình, trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ nhằm giúp người dân cả nước nói chung và thành phố Bắc Kạn nói riêng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hội sở NHCSXH tỉnh triển khai cho vay trên 161 tỷ đồng, giúp trên 3.100 khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bản thành phố trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,85 triệu đồng/người năm 2002 lên 41,8 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 39,95 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố cuối năm 2021 xuống còn 2,76%, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố Bắc Kạn.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện NĐ số 78/2002/ NĐ-CP của Chính phủ được UBND thành phố BK khen thưởng.

Nhân dịp này, UBND thành phố Bắc Kạn đã tặng giấy khen cho 10 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Đặng Tuyết