HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 1961 GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 KHU VỰC PHÍA BẮC

Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị –  Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã khẳng định những kết quả đã thực hiện được của Đề án trong 5 năm qua; đồng thời nêu lên một số giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu của Đề án giai đoạn 2016-2020, bao gồm các vấn đề về: Giảng viên cho từng nhóm đối tượng; Phương pháp đào tạo bồi dưỡng; Giải pháp tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho các nhóm đối tượng; Xây dựng hoàn chỉnh bộ chương trình tài liệu đào tạo bồi dưỡng; Công tác phối hợp thực hiện Đề án; Tài chính phục vụ hoạt động của Đề án; Công tác chỉ đạo điều hành. 

Ông Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà lãnh đạo địa phương. Ông  Bùi Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đề cập đến công tác lập kế hoạch đăng ký và kế hoạch triển khai cụ thế từng phần (do Trung ương và do địa phương tự tổ chức), về việc bố trí ngân sách cho địa phương. Ông Nguyễn Trung Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng: Chương trình tài liệu cần xem xét đặc biệt với các tỉnh, huyện miền núi. Trên cơ sở đăng ký của địa phương cần bố trí tháng cụ thể để địa phương chủ động. Ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Hà Nội đồng tình với kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2. Đối với địa phương, sau khi bầu cử xong HĐND các cấp, bộ máy nhân sự thay đổi, việc tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý xây dựng và phát triển đô thị là điều rất cần thiết.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, đ/c Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã kết luận: “Quản lý phát triển đô thị bao gồm nhiều nội dung: Quản lý kiểm soát quá trình đô thị hóa; Quản lý quy hoạch đô thị; Định hướng chương trình kế hoạch phát triển đô thị cho từng giai đoạn; Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; Quản lý về đất đai nhà ở và thị trường bất động sản; Quản lý đầu tư xây dựng trong các đô thị; Kinh tế đô thị (liên quan đến năng lực cạnh tranh đô thị, chất lượng đô thị); Quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị. Chính vì vậy, chương trình học cần thiết kế xoay quanh 08 nội dung này. Như vậy, để đảm bảo phát triển quản lý đô thị tốt phải có các cán bộ quản lý tốt, chuyên môn đô thị giỏi, những người lãnh đạo cấp cao tâm huyết. Việc đầu tiên, người quản lý đô thị phải biết chức trách nhiệm vụ của mình là gì, thứ hai phải hiểu cơ chế chính sách của Nhà nước về lĩnh vực quản lý đô thị như thế nào, nhất là đối tượng thực thi. Thứ ba, cán bộ phải hiểu phương pháp luận trong quản lý đô thị đối với từng lĩnh vực của mình, thứ tư là kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực đô thị, quy mô ấy ấy hiện nay ở Việt Nam như thế nào, thế giới ra sao cần được chia sẻ và nhân rộng. Thứ năm, người quản lý đô thị cần đặt ra tầm nhìn cho đô thị đó, 5 năm tới hay 10 năm tới cần đạt được mức độ nào. Thứ sáu là với tầm nhìn ấy cần đưa ra những quyết sách gì cho đô thị của mình. Thứ bảy, cần có những giải pháp cụ thể gì để đạt được mục tiêu, tầm nhìn đặt ra. Và cuối cùng là thực hiện tổ chức các giải pháp ấy như thế nào… Hiện nay, có nhiều chương trình, đề án đào tạo, quan trọng chúng ta phải hiểu rõ những cán bộ quản lý đô thị cần có những kỹ năng – kiến thức gì, nói cách khác là phải đào tạo cái gì mà cán bộ quản lý đô thị cần chứ không phải đào tạo cái gì có sẵn. Như thế quá trình đào tạo bồi dưỡng mới hiệu quả. Thông qua Hội nghị, các địa phương đều bày tỏ sự cần thiết triển khai Đề án. Chúng tôi ghi nhận tiếp thu các ý kiến đề xuất (sớm ban hành kế hoạch cụ thể để phổ biến, chương trình đào tạo cần điều chỉnh linh hoạt, cập nhật thường xuyên, phù hợp từng nhóm đối tượng, từng địa phương, từng thời kỳ, tăng cường tham quan nước ngoài, lồng ghép chương trình này với các chương trình đề án khác để tiết kiệm thời gian… ). Ban chỉ đạo Đề án hoàn toàn đồng ý và sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.”

 Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016-2020 khu vực phía Bắc đã đạt được những kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy công tác Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp được thực hiện ngày càng hiệu quả, đem lại những lợi ích thiết thực cho công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

 

Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là Đề án 1961), với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.  

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020 khi các địa phương sắp xếp, bố trí nhân sự cho nhiệm kỳ mới tại Đảng bộ, UBND, HĐND các cấp là giai đoạn cần phải có một lực lượng lớn các cán bộ công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị được đào tạo bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Theo đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được xác định là nội dung cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Chính phủ cũng đã có văn bản số 143/VPCP-KTN ngày 8/1/2016 về việc đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 và mở rộng đối tượng tham gia học tập.