BBK – Thời gian gần đây, dư luận người dân phản ánh tại Bắc Kạn xuất hiện nhiều trường hợp tư thương đến các vùng dịch thu mua lợn ốm, lợn dịch với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng/con để mang đi tiêu thụ. Chính những hành động này góp phần làm dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng và tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm.
Vẫn còn tình trạng mua bán lợn ở khu vực có dịch
Mặc dù ngay từ đầu năm UBND tỉnh Bắc Kạn, các huyện, thành phố đã ra nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là kiểm soát việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra khỏi địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Tuy nhiên từ tháng 4 đến tháng 5/2024, tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại các địa phương ngoài tầm quyền soát. Sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền một số nơi dẫn tới tình trạng mua bán lợn ốm, lợn dịch diễn ra tự do, ngang nhiên. Nhiều trường hợp tư thương đến các vùng dịch, để lại thông tin quảng cáo thu mua lợn bất kể tình trạng với số lượng lợn lớn. Không ít hộ chăn nuôi có lợn ốm hoặc nghi ốm đã tranh thủ bán tống, bán tháo để thu hồi vốn mà không quan tâm đến nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Ông Dương Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh, huyện Ba Bể cho biết: “Qua thăm nắm, trên địa bàn có xuất hiện một số đối tượng đi vào khu dân cư, dọc chợ xã phát tờ rơi thu gom lợn với số lượng lớn. Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở các hành vi mua bán lợn ốm, lợn dịch là vi phạm pháp luật nhưng hoạt động mua bán vẫn lén lút diễn ra. Chúng tôi cũng khó có thể kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng này”. Đến nay, Khang Ninh là một trong những xã của huyện có tổng đàn lợn bệnh phải tiêu hủy lớn nhất với tổng trọng lượng khoảng 35 tấn.
Tăng cường các hoạt động kiểm soát vận chuyển lợn tại vùng dịch
Trước diễn biến dịch ngày một phức tạp, ảnh hưởng tình hình phát triển kinh tế các hộ chăn nuôi, sức khỏe người dân, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường tự nhiên; bán lợn cho các tiểu thương làm lây lan dịch bệnh… Chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp kiểm dịch đối với việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào tỉnh Bắc Kạn.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới cho biết: “Để ngăn chặn dịch bệnh không tiếp tục phát sinh, đơn vị đã duy trì 100% lực lượng trực, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ nhằm kiểm soát 24/24h các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh từ ngày 27/5 cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định”.
Kết quả, ngày 01/6, tại địa bàn huyện Chợ Mới, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 02 phương tiện chở lợn từ vùng dịch huyện Ba Bể và Na Rì mang đi tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ. Tổng số đàn lợn gồm 14 con đều đã được tiêu hủy theo quy định. Căn cứ vào các quy định hiện hành, các trường hợp trên đã bị lập biên bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt 4,5 triệu đồng/người.
Tính đến ngày 04/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.414 hộ dân của 87 xã, thuộc 08 huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Kạn, làm 5.970 con lợn ốm, chết, tiêu hủy, trọng lượng lên đến 241 tấn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi vẫn hết sức khó khăn. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đối với các hoạt động vận chuyển vật nuôi từ vùng dịch. Tuyên truyền, nâng cao vai trò cấp cơ sở để người dân có ý thức trong phòng, chống dịch bệnh, tố cáo các hành vi gian lận, mua bán lợn bệnh dưới mọi hình thức nhằm sớm đầy lùi dịch bệnh./.
“Tại các Điều 43, 44, 45, 48, 49 Chương III, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính Phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y gồm: Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra viên Sở NN&PTNT, thanh tra chuyên ngành thú y, thủy sản; quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Hải quan. Mức xử phạt thấp nhất 500.000 đồng và cao nhất lên đến 50 triệu đồng, tùy vào các mức độ vi phạm”.